Chưa hết nguy cơ làn sóng nợ xấu tại châu Âu

08:41' - 17/04/2022
BNEWS Để tránh một làn sóng nợ xấu mới, châu Âu vẫn cần thêm các hành động chính sách, đặc biệt khi tình hình bất ổn liên quan đến đại dịch vẫn kéo dài.

Những lo ngại ban đầu về khả năng chất lượng các tài sản của ngân hàng sẽ nhanh chóng sụt giảm và kéo theo đó là một "cơn sóng thần" nợ xấu tại châu Âu do tác động của đại dịch COVID-19 đã không trở thành hiện thực, nhờ các chính sách mà chính phủ các nước thực hiện.

Nhưng để tránh một làn sóng nợ xấu mới, châu Âu vẫn cần thêm các hành động chính sách, đặc biệt khi tình hình bất ổn liên quan đến đại dịch vẫn kéo dài.
* Nguy cơ làn sóng nợ xấu…

Vào đầu năm 2020 đã có nhiều lo ngại rằng đại dịch COVID-19 sẽ khiến nợ xấu tăng mạnh tại châu Âu, nơi trước đây đã phải "vật lộn" suốt một thời gian dài với tình trạng nợ xấu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2011-2012.

 

Tuy nhiên, bất chấp tình trạng suy thoái sâu và sự phục hồi không đồng đều, những dự đoán này đã không thành sự thật. Trên thực tế, nợ xấu ở nhiều nước đã giảm xuống mức thấp lịch sử. Nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu ở khu vực Eurozone đã đạt đỉnh vào năm 2014 ở mức trên 8%, trước khi giảm xuống còn 3,6% trong năm 2019.
Thế nhưng, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình nợ xấu đang thay đổi và có thể diễn biến xấu đi trong năm nay.
Đầu tiên, mức nợ "giai đoạn 2" – chỉ các khoản nợ dưới chuẩn với rủi ro tín dụng gia tăng nhưng chưa phải là "nợ xấu" – đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch và hiện ổn định ở mức cao hơn thời điểm đầu năm 2020 gần 2 điểm phần trăm, với sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến trái chiều của nợ xấu (giảm) và nợ giai đoạn 2 (tăng) có thể là điềm báo cho thấy nợ xấu có thể tăng lên trong tương lai gần.
Thứ hai, hơn một nửa nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng châu Âu là ở các lĩnh vực đặc biệt bị ảnh hưởng bởi đại dịch như nhà hàng-khách sạn, thương mại bán lẻ… Thêm vào đó, ở nhiều nước, giá tài sản, trong đó có giá nhà ở, đã tăng mạnh. Điều này có thể dẫn đến một sự điều chỉnh trong thời gian tới.
Thứ ba, trong bối cảnh quá trình phục hồi hậu COVID-19 đang diễn ra, các biện pháp chính sách bất thường đã bảo vệ chất lượng tài sản kể từ khi đại dịch bùng phát sẽ bị rút lại. Dù các số liệu sớm cho thấy điều này vẫn chưa gây ra những gián đoạn lớn, nhưng chất lượng tài sản ngân hàng vẫn có nguy cơ giảm sút khi một loạt các biện pháp như hoãn trả nợ, các chương trình bảo vệ việc làm, chính sách hỗ trợ tài khóa nói chung và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng trung ương bị rút lại cùng lúc.

Bản thân các chính sách này cũng có thể gặp áp lực khi sự mất cân bằng cung cầu khiến lạm phát gia tăng, buộc các ngân hàng phải thắt chặt chính sách, nhưng các biến thể mới như Omicron có thể trì hoãn quá trình này. Điều này đặc biệt đúng ở các nước châu Âu mới nổi, nơi nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trước sự leo thang của lạm phát.
Thứ tư, tại Liên minh châu Âu (EU), việc sử dụng các biện pháp đảm bảo cho giải quyết nợ xấu đang ngày càng bị hạn chế bởi các quy định của EU về hỗ trợ của chính phủ và cạnh tranh.

Điều này đang diễn ra với hai cách thức giải quyết các tài sản xấu lâu nay là chứng khoán hóa (Securitization - nghiệp vụ phát hành những công cụ tài chính mới bằng cách kết hợp các tài sản tài chính khác lại với nhau, sau đó bán những sản phẩm này cho các nhà đầu tư) và công ty quản lý tài sản (AMC - công ty đầu tư tập trung tiền từ khách hàng và sử dụng nguồn vốn đó để thực hiện nhiều khoản đầu tư khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản).

Các quy định của EU về hỗ trợ nhà nước và cạnh tranh đã cản trở việc thành lập các công ty AMC quy mô lớn ở nhiều nước thành viên EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng nợ xấu cao trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
* … và những "con đê chắn sóng"

Nhóm chuyên gia bao gồm ông Reiner Martin từ viện nghiên cứu Joint Vienna Institute, ông Piroska Nagy-Mohacsi từ trường chính sách công LSE, bà Elina Ribakova và ông Jonathan M Fortun Vargas từ Viện Tài chính Quốc tế dự đoán rằng nợ xấu tại châu Âu sẽ gia tăng trong tương lai, nhưng không trở thành một vấn đề hệ thống.

Tuy nhiên, triển vọng này chưa chắc chắn, đặc biệt khi các biến thể mới có thể cản trở đà phục hồi và làm gia tăng sự mất cân bằng cung cầu, vốn là yếu tố đã gây ra áp lực lạm phát. Trong bối cảnh này, nhóm chuyên gia nói trên đã đề xuất nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng nợ xấu tại châu Âu.
Thứ nhất là nguyên tắc "lợi ích của sự nghi ngờ". Các nhà hoạch định chính sách phải nhận ra rằng sự sụt giảm chất lượng tài sản sau đại dịch sẽ là hệ quả phổ biến của các cú sốc đối với lĩnh vực tài chính.

Nguyên tắc "lợi ích của sự nghi ngờ" thường sẽ phát huy tác dụng mà không đánh giá thấp nguy cơ hồi sinh các doanh nghiệp đã "chết lâm sàng" và không có khả năng tồn tại trong dài hạn bằng các hỗ trợ chính sách. Nợ xấu cũng có thể gia tăng vì quá trình thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát quá sớm khi vẫn còn những bất ổn liên quan đến biến thể Omicron.
Thứ hai, tốc độ là điều cốt yếu. Nếu nợ xấu gia tăng nhanh, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý và ngân hàng nên hành động một cách nhanh chóng và dứt khoát để đánh giá, loại bỏ các tài sản xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán. Đây là một bài học rõ nét từ các cuộc khủng hoảng trước đây như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu.
Thứ ba, chính phủ các nước cần hành động nhanh chóng trong việc bảo đảm cho vay. Tại châu Âu, hơn một nửa các gói kích thích tài khóa liên quan đến đại dịch COVID-19 được đưa ra dưới dạng các khoản bảo đảm cho vay. Nếu chính phủ được yêu cầu thanh toán cho bất kỳ khoản vay nào đã được bảo đảm, chính phủ cần chấp nhận và thực hiện một cách nhanh chóng và minh bạch.
Thứ tư, việc tạo điều kiện cho thị trường thứ cấp xử lý nợ cấu là vô cùng quan trọng. Chính phủ các nước nên xem xét các cách loại bỏ bất cứ trở ngại nào đối với sự vận hành trơn tru của các thị trường này, trong đó có các biện pháp để tạo điều kiện cho việc sử dụng các chương trình chứng khoán hóa nợ xấu.
Thứ năm, việc giải quyết nợ xấu có thể cần đến các công ty quản lý tài sản. AMC đã phát huy tác dụng hữu ích ở nhiều nước để nhanh chóng loại bỏ nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Nhưng tại EU, những trở ngại về mặt quy định đối với việc thiết lập các công cụ này đang gia tăng.

Khung quy định của EU giờ đây nên được xem xét lại với mục đích khiến AMC một lần nữa trở thành một giải pháp khả thi hơn đối với các nước thành viên có tỷ lệ nợ xấu cao, trong đó có việc linh hoạt áp dụng các quy định về hỗ trợ của chính phủ. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu tăng nhiều hơn so với dự đoán hiện tại, AMC ở cấp độ EU nên được tái cân nhắc.
Thứ sáu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên duy trì các nghiệp vụ mua lại và hoán đổi tiền tệ với ngân hàng trung ương các nước châu Âu mới nổi. Các biện pháp này rất có hiệu quả trong việc hạn chế sự phản ứng thái quá của thị trường trong thời kỳ đại dịch và sẽ cần thiết trong quá trình thắt chặt chính sách.
Cuối cùng, các ngân hàng trung ương cần hướng dẫn chuyển tiếp (Forward Guidance) trong quản lý nợ xấu. Forward Guidance được hiểu là khi các ngân hàng trung ương muốn điều chỉnh chính sách mà tránh tạo phản ứng co giật trên thị trường tiền tệ do sự bất ngờ, họ sẽ chọn cách thông tin đến thị trường thông qua các lời nói của những thành viên hội đồng chính sách tiền tệ.

ECB và các cơ quan quản lý ở các nước thành viên EU cần đẩy mạnh chiến lược truyền đạt chính sách này để bao gồm cả các vấn đề về nợ xấu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục