Chứng khoán Mỹ tăng bất chấp căng thẳng thương mại?

05:30' - 29/09/2018
BNEWS Nhật báo The Hill đăng bài phân tích về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế Mỹ của bà Liz Peek, cựu chuyên gia của hãng đầu tư Mỹ Wertheim & Company.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN phát

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vốn được các nhà kinh tế và học giả đề cập rất nhiều lại không hề khiến các nhà đầu tư bối rối. Đây là thông điệp từ các nhà thương mại - những người đã đẩy chỉ số chứng khoán trung bình tăng cao trong bối cảnh Mỹ áp đặt mức thuế suất mới nhất nhằm vào hàng hóa Trung Quốc và phản ứng trả đũa từ Bắc Kinh.

Làm thế nào mà chỉ số chứng khoán có thể gia tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng? Đây là ba câu trả lời: Thuế có thể còn tăng thêm nữa. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang phát triển mãnh liệt. Một số nhà phân tích có thể ca ngợi những nỗ lực của Nhà Trắng trong ngăn cản các hành vi thương mại gian lận của Bắc Kinh.

Thứ nhất, việc áp đặt 10% thuế đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc đã là thấp hơn mức 25% mà ông Trump từng đe dọa. Mức phí thấp này sẽ được duy trì đến hết năm và sau đó sẽ tăng lên 25% nếu Trung Quốc không có những tiến bộ về những vấn đề quan trọng như sở hữu trí tuệ, việc Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước và việc bán phá giá hàng hóa trái luật.

Phản ứng của Trung Quốc cũng không nghiêm trọng như dự đoán. Việc đánh thuế từ 5-10% đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ là thấp hơn so với mức dự đoán 25%.

Thêm vào đó, như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nhấn mạnh trên hãng tin CNBC, người dân Mỹ sẽ không bị tác động nhiều bởi mức thuế 10% đó. "Cuối cùng không ai phát hiện ra sự tăng giá" vì số tăng đó "trải ra đối với hàng nghìn sản phẩm".

Tóm lại, một số người cảm thấy nhẹ nhõm khi cả hai bên có những dấu hiệu kiềm chế và không bên nào muốn loại trừ đàm phán. Không chỉ thị trường Mỹ mà các thị trường châu Á cũng đều khởi sắc. 

Thứ hai, tin tức kinh tế quá lạc quan để có thể bị tác động bởi sự gia tăng thuế khiêm tốn đối với những sản phẩm vào Mỹ. Goldman Sachs gần đây đưa ra một báo cáo khẳng định rằng khả năng suy thoái trong 3 năm tới là rất thấp và thậm chí còn thấp hơn mức trung bình trước đây. Đà đi lên này đã kéo dài được 10 năm và sẽ sớm trở thành giai đoạn tăng trưởng dài nhất từ trước đến nay.

Ed Hyman, thuộc Trung tâm nghiên cứu ISI Evercore, đã đưa ra báo cáo đánh giá một số tín hiệu dự báo suy thoái - từ thu nhập trung bình hàng giờ cho đến số liệu nhà ở được xây dựng, chỉ số dự đoán, chỉ số cổ phiếu S&P (Standard and Poor) và nhiều yếu tố khác nữa - và kết luận rằng theo những tín hiệu truyền thống này, thời kỳ suy thoái sẽ là 2,5 tới 7 năm nữa.

Điều gì khiến nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển? Sự lạc quan của khách hàng và chi tiêu là then chốt. Đại học Michigan gần đây báo cáo rằng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng gia tăng ngoài dự đoán trong tháng 9 - từ 96,2 điểm hồi tháng 8 tăng lên đến 100,8 điểm - cao hơn nhiều so với mức dự đoán 96,7 điểm trước đó. Con số này cao thứ hai kể từ năm 2004, chỉ sau mức tháng 3 năm nay. 

Trong một nhấn mạnh khả quan hơn, dữ liệu này chỉ ra rằng những người được thăm dò thể hiện sự lạc quan về tương lai cao nhất kể từ năm 2004. Một yếu tố dẫn tới sự cải thiện này là giảm nỗi lo về lạm phát.

Sự lạc quan về việc làm và thu nhập cũng tác động đến chi tiêu của khách hàng. Doanh số bán lẻ trong tháng vừa qua đã tăng 6,6% và nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn vào cuối năm. Đây là điều mà các nhà bán lẻ đặt cược khi họ đang củng cố nhân sự chuẩn bị cho thời điểm mà họ kỳ vọng là mùa lễ hội bùng nổ. 

Trong khi đó, Wall Street Journal báo cáo rằng có khoảng 757.000 việc làm bán lẻ còn để ngỏ trên toàn nước Mỹ, tăng khoảng 100.000 so với năm ngoái. Hãng bán lẻ Target gần đây tuyên bố họ sẽ thuê 120.000 nhân công thời vụ, tăng 20% so với năm ngoái.

Không chỉ có lĩnh vực tiêu thụ phát triển tốt. Sản xuất công nghiệp cũng tăng 4,9% vào tháng trước - "bước nhảy" lớn nhất kể từ năm 2010.

Tuy vậy, không phải tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển hưng thịnh. Xây dựng nhà ở là một sự trì trệ, đã giảm tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm nay. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số nhà ở được xây rất đáng thất vọng, gần đây ở mức 1,168 triệu đơn vị vào tháng trước. Trước đó, các nhà phân tích đã dự báo con số 1,260 triệu đơn vị và cho rằng số nhà xây mới giảm bởi tỷ lệ thế chấp tăng và chi phí xây dựng cao hơn.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát thợ xây và thiết kế nhà gần đây cho thấy lĩnh vực này có thể gia tăng. Báo cáo từ Hiệp hội Xây dựng Quốc gia Mỹ cho thấy sự tự tin trong những người tham gia là khá ổn định, phản ánh nhu cầu chắc chắn và chi phí giảm.

Chỉ số doanh thu triển vọng trong 6 tháng của Hiệp hội này tăng lần đầu tiên kể từ tháng 2, mặc dù doanh thu hiện nay khá khiêm tốn. Cơ quan Dân số Mỹ cho biết số hộ gia đình sở hữu nhà riêng đã tăng tới mức cao kỷ lục trong quý III/2018. Chỉ số này có triển vọng đóng góp thêm cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019.

Một vấn đề đối với thợ xây dựng và thiết kế là khó khăn trong tìm kiếm công nhân có tay nghề. Thị trường lao động chật hẹp bị coi là sự cản trở đối với tăng trưởng, nhưng tỷ lệ người có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm thấp cho thấy lương tăng có thể thu hút nhiều người vào thị trường này hơn. Tỷ lệ người có việc làm trong tháng 8 là 62,7% - giảm nhẹ so với tháng 7. Năm 2008, con số này là trên 66%. 

Chắc chắn là sẽ có những giai đoạn giảm tốc phía trước. Hiện giờ nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh và có thể thích nghi với một số áp lực từ cuộc chiến thương mại. Cũng như các chính quyền Mỹ trước đây, chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, ước tính khoảng 225 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm. Có vẻ như các biện pháp cứng rắn như thế là đủ, giờ là lúc phải giảm bớt nhiệt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục