Chuỗi siêu thị Tesco của Anh "ăn nên làm ra" thời đại dịch

17:15' - 06/10/2021
BNEWS Ngày 6/10, chuỗi siêu thị Tesco của Anh thông báo lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm đã tăng gần 70% nhờ doanh thu tăng mạnh trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và chuỗi cung ứng được đảm bảo.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của hàng đã tăng lên 781 triệu bảng Anh (tương đương 1,1 tỷ USD) trong 6 tháng kết thúc vào cuối tháng 8 vừa qua. Mức này cao hơn nhiều con số 465 triệu bảng Anh cùng kỳ năm trước, thời điểm mà Tesco chịu tác động nặng nề do đại dịch bùng phát.

Doanh thu đã tăng 6% lên mức 30,4 tỷ bảng trong bối cảnh Tesco tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu tăng mạnh do đại dịch COVID-19.

Tesco cũng tăng dự báo lợi nhuận hàng năm và công bố khoản mua lại cổ phiếu trị giá 500 triệu bảng Anh. Giám đốc điều hành Ken Murphy nhấn mạnh việc chuỗi cung ứng được đảm bảo và duy trì tốt mối quan hệ với các nhà cung cấp là yếu tố then chốt để hãng vận hành suôn sẻ, đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Tesco, lợi nhuận hoạt động tăng vọt 28% lên 1,3 tỷ bảng Anh trong 6 tháng vừa qua và hãng đã nâng mục tiêu lợi nhuận hoạt động hàng năm lên từ 2,5 tỷ đến 2,6 tỷ bảng.

Trong khi đó, cùng ngày, Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho thấy số lượng đơn đặt hàng sản xuất công nghiệp nước này giảm hơn dự kiến trong tháng 8 do nhu cầu nước ngoài yếu hơn sau khi ghi nhận sự gia tăng đột biến hai tháng trước đó nhờ các hợp đồng lớn.

Theo Destatis, lượng đơn đặt hàng trong tháng 8 đã giảm 7,7% phần lớn do các công ty đã tiếp nhận được lượng lớn đơn đặt hàng trong lĩnh vực máy bay, tàu thuyền và một số phương tiện cỡ lớn trong hai tháng trước đó. Nhờ những yếu tố này, số đơn đặt hàng công nghiệp trong tháng 6 và tháng 7 đã tăng lần  lượt 4,6% và 4,9%.

Nguyên nhân khác dẫn tới sự sụt giảm lượng đặt hàng trong ngành sản xuất công nghiệp Đức là do sự sụt giảm nhu cầu ở nước ngoài, đặc biệt là khách hàng ngoài Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Bộ Kinh tế Đức cũng chỉ rõ đơn đặt hàng mua ô tô cũng giảm mạnh trong tháng 8 do các kỳ nghỉ lễ đặc biệt gây gián đoạn sản xuất ô tô tại nhiều nhà máy lớn. Tuy nhiên, về tổng thể, lượng đơn đặt hàng công nghiệp vẫn duy trì ở mức cao và cao hơn 8,5% so với mức trước khủng hoảng vào tháng 2/2020, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Đức.

Nhà kinh tế Alexander Krueger của Bankhaus Lampe nhận định vấn đề cốt lõi trong hoạt động sản xuất của Đức là tình trạng thiếu chất bán dẫn và một số hàng hóa trung gian do trục trặc chuỗi cung ứng khiến các đơn hàng không được xử lý.

Ông Krueger nói thêm tình trạng hủy đơn đặt hàng sẽ có xu hướng gia tăng và chứng nào sự gián đoạn về chuỗi cung ứng chưa được giải quyết, hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục bị tác động.

Theo nhà kinh tế này, công nghiệp sẽ tiếp tục cản đà tăng trưởng trong quý IV./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục