Chuyển đổi số và những thách thức tồn tại

16:02' - 05/02/2024
BNEWS Chuyển đổi số không còn là bài toán cạnh tranh để tồn tại mà đã trở thành chuyện sinh tử với nhiều doanh nghiệp.

Những thách thức của việc chậm chuyển đổi số đã không còn chỉ là lý thuyết, mà thực sự trở thành rào cản đối với nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, các đối thủ cạnh tranh trong một số lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số đã thu được nhiều kết quả tích cực như chi phí cắt giảm triệt để hơn, trải nghiệm khách hàng tốt hơn, tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhanh hơn, mở rộng hay điều chỉnh phạm vi hoạt động dễ dàng hơn, kiến tạo mô hình kinh doanh hiệu quả hơn, đưa ra các sản phẩm/dịch vụ phù hợp khách hàng hơn... Với những doanh nghiệp còn chần chừ không chuyển đổi số số, áp lực cạnh tranh đang ngày càng gia tăng, thu hẹp không gian sinh tồn và nỗ lực tăng trưởng. Chuyển đổi số không còn là bài toán cạnh tranh để tồn tại mà đã trở thành chuyện sinh tử với nhiều doanh nghiệp.

 

Có thể thấy rằng, song song với việc tự động hóa và áp dụng trí thông minh nhân tạo để cắt bỏ chi phí nhân sự hiệu quả nhất bằng chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể tập trung vào bài toán nâng cao năng suất của nhân viên. Các doanh nghiệp hiện tại khi công nghệ số ngày càng trở nên phổ biến thì năng suất số càng trở nên quan trọng. Các nhân viên đều phải biết sử dụng Zalo, làm việc và phối hợp từ xa, học tập và tương tác qua Zoom là những ví dụ cụ thể cho tầm quan trọng của năng suất số trong mọi doanh nghiệp.

Năng suất số là chìa khóa thành công cũng như mục đích của chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần tiền đầu tư. Nếu nhân lực không gia tăng được năng suất sau quá trình chuyển đổi thì doanh nghiệp sẽ không thể thu lại được tiền đã bỏ ra. Doanh nghiệp cần tập trung vào các hạng mục đào tạo kỹ năng số, đào tạo tư duy và phương pháp làm việc trong môi trường số, đào tạo sử dụng các công cụ số như ChatGPT để gia tăng năng suất, Văn hóa và môi trường làm việc số. Cuối cùng, doanh nghiệp cần có các chuyên gia nội bộ đào tạo, cố vấn và tư vấn cho nhân viên gia tăng năng suất số.

Ông Lê Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ ABSoft cho hay, trong xu hướng hiện đại, tự động hóa và trí thông minh nhân tạo là hai công cụ sắc bén cắt giảm chi phí nhân sự. Tự động hóa giúp cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí cho những công việc lặp đi lặp lại, đơn giản.

Trí thông minh nhân tạo áp dụng cho các công việc đòi hỏi tư duy của người lao động như trong ví dụ Google cắt giảm nhân sự. Doanh nghiệp cần phân tích lại tất cả các công việc, xác định các bước công việc trong từng công việc, xác định các bước công việc nào có thể tự động hóa hoặc dùng AI để giải quyết. Bên cạnh cắt giảm chi phí nhân sự, AI và tự động hóa còn gia tăng chất lượng của công việc.

Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra liên tục để hoàn thiện và tốt lên mỗi ngày, chứ không đơn thuần là một đích đến. Làm tốt, thì có thể mang đến những thay đổi to lớn đối với bất cứ doanh nghiệp nào nhưng để bắt đầu, đừng phức tạp hoá, hãy bắt đầu thử mọi thứ thật đơn giản với một phạm vi nhỏ. Đội ngũ lãnh đạo và quản lý nhân sự cần ngồi lại, xem xét về các vấn đề ưu tiên mà họ cần để có thể tạo ra hiệu quả tốt cho doanh nghiệp của mình mà không làm xáo trộn mọi thứ.

Khi các nhiệm vụ quản lý được tự động hoá, số lượng nhân viên sẽ được tối ưu và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, đội ngũ quản lý nhân sự có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc hoạch định chiến lược nguồn nhân lực trong dài hạn. 

Số hóa hoạt động quản trị nguồn nhân lực không nên là sự lựa chọn giữa "Có" và "Không", mà nên là điều mà tất cả doanh nghiệp "Nên" và "Cần" phải làm để theo kịp dòng chảy của kỷ nguyên số 4.0. Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ kết hợp với việc ứng dụng công nghệ một cách khôn ngoan, sẽ là lợi thế nối thành công cho mọi doanh nghiệp Việt vượt sóng, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục