Chuyện gì đang xảy ra với Boeing?
Việc khôi phục niềm tin của các hãng hàng không, cơ quan quản lý và hành khách trở nên khó khăn hơn với Boeing mỗi khi xảy ra sự cố cùng những khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
*Liên tiếp gặp sự cố Chỉ trong ba tháng đầu năm 2024, Boeing đã gặp phải hai sự cố liên quan đến các dòng máy bay của hãng. Điều này khiến các chuyên gia nhận định, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa với Boeing và cuộc khủng hoảng mà "gã khổng lồ" trong ngành hàng không thế giới phải đối mặt không biết bao giờ mới có hồi kết.Ngày 11/3, máy bay Boeing 787 của hãng hàng không LATAM Airlines (Chile), đã gặp sự cố rung lắc mạnh khi đang trên đường từ Sydney, Australia đến Auckland, New Zealand. Vụ việc đã khiến 50 người bị thương. Đây là sự cố lớn thứ hai từ đầu năm của Boeing.
Trước đó, ngày 5/1, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của hãng hàng không Mỹ Alaska Airlines cất cánh từ sân bay Portland, bang Oregon đến thành phố Ontario, bang California, đã gặp sự cố sau khi khởi hành khoảng 20 phút. Khi ở độ cao gần 5.000 mét, cửa sổ và một mảnh thân máy bay đã bung ra, nổ tung giữa không trung. May mắn là không có hành khách nào bị thương. Sự cố đó đã dẫn đến việc một số máy bay 737 MAX bị đình chỉ hoạt động tạm thời ở Mỹ, sau đó là các phiên điều trần tại Quốc hội, sự chậm trễ trong sản xuất và giao hàng, nhiều cuộc điều tra liên bang. Các vụ việc trên khiến cổ phiếu của Boeing mất 25% giá trị trong năm nay, giảm 40 tỷ USD so với định giá thị trường của hãng. Giữa lúc xảy ra các vụ kiện, các khoản tiền phạt tiềm tàng và hoạt động kinh doanh bị tổn thất, Boeing có thể mất thêm hàng tỷ USD nữa. Nhưng vận đen chưa dừng lại ở đó. Hồi tháng 2/2024, các phi công trên chiếc 737 MAX của hãng hàng không United Airlines báo cáo rằng bộ điều khiển chuyến bay bị kẹt khi máy bay hạ cánh ở Newark. Hai tuần trước đó, Cục Hàng không liên bang (FAA) đã cảnh báo các vấn đề an toàn với thiết bị làm tan băng trên các mẫu 737 MAX và 787 Dreamliner có thể khiến động cơ mất lực đẩy. FAA đang cho phép các máy bay tiếp tục bay và Boeing cho biết vấn đề này không gây ra rủi ro an toàn ngay lập tức. Tờ New York Times ngày 14/3 dẫn báo cáo kết quả cho thấy dòng máy bay 737 MAX không vượt qua được cuộc kiểm tra toàn diện khi chỉ đạt 33 trong tổng số 89 bài kiểm tra.
* Ngành hàng không bị ảnh hưởng
Những sự cố liên tiếp đã khiến Boeing phải tạm dừng hoạt động sản xuất, dẫn tới việc bàn giao máy bay chậm trễ. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến một số hãng hàng không lớn của Mỹ như Southwest Airlines, Alaska Airlines và United Airlines, khiến họ phải điều chỉnh dự báo công suất cho năm 2024, cũng như tạm dừng tuyển dụng. Boeing cho biết nhà sản xuất này sẽ chỉ có thể cung cấp cho Southwest Airlines 46 máy bay Boeing 737 MAX 8 trong năm 2024, dù cho trước đó đã cam kết cung cấp 58 chiếc. Alaska Airlines cho biết sự cố ngày 5/1 khiến lợi nhuận của hãng bị ảnh hưởng (ít nhất là 150 triệu USD). Ngoài ra, công suất cả năm của hãng có thể còn thay đổi do không chắc chắn về thời gian giao máy bay trong bối cảnh FAA và Bộ Tư pháp tăng cường giám sát đối với Boeing và các hoạt động của hãng. Còn United Airlines thông báo sẽ phải ngừng tuyển dụng phi công vào mùa Xuân 2024. Trong khi đó, Alaska Air Group cho biết kế hoạch công suất năm 2024 của hãng vẫn chưa thay đổi vì cuộc khủng hoảng Boeing. Song CEO Ben Minicucci cho biết hãng không kỳ vọng sẽ nhận được toàn bộ 47 máy bay từ Boeing trong hai năm tới. Tính đến tháng 2/2024, Boeing đã bàn giao 54 máy bay, trong đó có 42 máy bay MAX, giảm so với 66 chiếc được báo cáo trong hai tháng đầu năm 2023. Trong khi hãng đối thủ châu Âu Airbus nhận 33 đơn đặt hàng trong hai tháng đầu của năm 2024 mà không có đơn đặt hàng nào bị hủy và đã giao 79 máy bay kể từ đầu năm. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Boeing Stan Deal đã bày tỏ sự đáng tiếc trước sự chậm trễ bàn giao máy bay, khiến hoạt động của các hãng hàng không bị ảnh hưởng.- Từ khóa :
- boeing
- máy bay boeing
- Boeing 737 MAX
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Airbus giành thêm lợi thế trước Boeing tại thị trường châu Á
18:30' - 22/03/2024
Công ty sản xuất máy bay Airbus của châu Âu ngày 21/3 đã giành được đơn đặt hàng 65 máy bay từ hai hãng hàng không châu Á vốn là khách hàng chủ chốt của hãng Boeing (Mỹ) trong khu vực.
-
Doanh nghiệp
Các hãng hàng không tăng giá vé vì vấn đề của Boeing
15:41' - 22/03/2024
Các vấn đề về sản xuất của Boeing khiến các hãng hàng không gặp khó khăn hơn trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại và thúc đẩy họ tăng giá vé.
-
Chuyển động DN
Hãng hàng không Nhật Bản thông báo đơn hàng lớn từ Airbus và Boeing
07:00' - 22/03/2024
Ngày 21/3, hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản thông báo sẽ mua hơn 40 máy bay từ các hãng Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động trong nước và quốc tế.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.