Cơ hội cho doanh nghiệp trên thị trường thực phẩm chay và thay thế

11:27' - 04/03/2022
BNEWS Trong bối cảnh bệnh và ngày càng nhận thức của việc tiêu dùng thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, người tiêu dùng đã và đang chuyển hướng sang sử dụng thực phẩm chay và thực phẩm thay thế.

Theo các chuyên gia, đây là cơ hội cho những đơn vị sản xuất kinh doanh có chiến lược phát triển bền vững và những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng và lối sống xanh - sạch.

 

Theo các chuyên gia, hiện nay ăn chay không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng, mà dần dần hình thành nên một xu hướng mới về lối sống xanh - sạch.

Đồng thời, người tiêu dùng không chỉ ưa chuộng những sản phẩm chất lượng, dinh dưỡng, an toàn... mà còn đòi hỏi sự tiện lợi hơn do không có nhiều thời gian, cách thức tự chế biến thực phẩm chay và thực phẩm thay thế tại nhà.

Cụ thể, có 4 lý do người tiêu dùng có xu hướng ăn chay là vì sức khỏe, nhân đạo, tôn giáo và môi trường. Các thực phẩm từ động vật cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, nên người tiêu dùng ngày càng rất quan tâm và tìm kiếm nguồn thực phẩm chay và thực phẩm thay thế từ các loại thực vật. Xu hướng này mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều chủng loại thực vật vùng nhiệt đới như Việt Nam.

Tuy nhiên, đơn vị sản xuất muốn tham gia vào thị trường này, đòi phải phải không ngừng nỗ lực đầu tư, nghiên cứu mới tạo ra được sản phẩm chinh phục người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đáp ứng nhiều xu hướng hoặc thúc đẩy những xu hướng mới để mang lại đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thị trường tồn tại song song hai vấn đề "thực hành" là nắm bắt xu hướng thị trường, hoặc tạo ra thị trường mới và làm mạnh lên những xu hướng mới.

Đối với thúc đẩy thị trường thực phẩm chay và thực phẩm thay thế là một trong những xu hướng mới của người tiêu dùng muốn ăn chay nhưng vẫn đảm bảo ăn ngon và đủ dinh dưỡng.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm, nền nông nghiệp nhiệt đới và sự đa dạng trong chế biến thực phẩm chay mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội để đáp ứng nhu cầu thị trường thực phẩm chay và thực phẩm thay thế đang trở thành xu hướng phổ biến tiêu dùng phổ biến của người dân toàn cầu.

Theo đó, ngoài 4 lý do chính nêu trên thì xu hướng tiêu dùng mới này cũng là lý do để đơn vị sản xuất kinh doanh Việt Nam chinh phục một phân khúc thị trường thực phẩm chay và thực phẩm thay thế trong thời gian tới.

PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, thực phẩm chay và thực phẩm thay thế có cơ hội thị trường tốt cho Việt Nam, nhất là những sản phẩm thay thế thực phẩm động vật từ thực vật. Dù vậy, muốn khai thác cơ hội này, doanh nghiệp cần khảo sát thị trường và nắm bắt nhu cầu thị trường cần gì và người tiêu dùng cần gì?

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp định hướng đến thị trường lớn hơn như xuất khẩu sang các nước, thì ngoài nắm nhu cầu thị trường, còn phải đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định của nước sở tại. Từ đó, doanh nghiệp xem xét có thể cung ứng được những sản phẩm gì ra thị trường và phân khúc khách hàng mục tiêu, bởi đi theo thị trường nào thì tập trung vào thị trường đó.

Theo PGS.TS Đàm Sao Mai, thực phẩm chay và thực phẩm thay thế, nhất là sản phẩm thịt thay thế từ thực vật, vi sinh... có nhiều phương pháp chế biến khác nhau, nhưng vấn đề ưu tiên hàng đầu là đảm bảo đủ dinh dưỡng. Song song đó, vấn đề kiểm soát quá trình sản xuất từ nguyên vật liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra cũng không kém phần quan trọng.

Thống kê, khối lượng thực phẩm chay và thực phẩm thay thế xuất khẩu như một ngành hàng độc lập của Việt Nam thì gần như chưa có hoặc khá hiếm. Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam phổ biến xuất khẩu thực phẩm chay và thực phẩm thay thế kèm theo trong những nhóm ngành khác như khi xuất khẩu nước mắm, nước tương, mì gói, bún, miến... thì có những dòng sản phẩm sử dụng ăn chay được.

Tương tự, việc phát triển thương hiệu thực phẩm chay và thực phẩm thay thế của Việt Nam ra thị trường toàn cầu cũng chưa có. Do đó, nếu như có những doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến sản xuất công nghiệp như Sông Hương Foods, Ngọc Liên... thì giai đoạn hiện nay được đánh giá là thời điểm có nhiều điều kiện thuận lợi.

Ghi nhận thực tế trên thị trường nội địa cũng cho thấy, trước dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thực phẩm thay thế thì giá thành các sản phẩm trong ngành hàng này đang dần dần cạnh tranh hơn là xu hướng tất yếu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thông minh ngày càng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm phù hợp với cá nhân và gia đình.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Sông Hương Foods cho biết, thị trường nội địa là trọng tâm của doanh nghiệp, vì phương châm kinh doanh ưu tiên sản phẩm tốt phục vụ người dân trong nước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển những sản phẩm gia truyền và thuần Việt.

Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, tại Sông Hương Foods, một sản phẩm ra thị trường luôn phải có lưu mẫu và thử nghiệm định kỳ. Bởi sản phẩm càng kinh doanh rộng rãi trên nhiều hệ thống bán lẻ thì càng phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, tiêu dùng trong cộng đồng...

"Hiện tại, bên cạnh những sản phẩm khác, Sông Hương Foods đã và đang phát triển 2 dòng thực phẩm, gồm: thuần chay và thực phẩm chay. Các sản phẩm này sản xuất thủ công và từng bước tiến đến tự động hóa, cũng như đang trên hành trình xây dựng thương hiệu với sản phẩm đúng tiêu chuẩn", ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn chia sẻ thêm.

Ở góc độ người tiêu dùng, bà Dịu Phú, cư ngụ tại Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, có một thực tế là tại Việt Nam ra đường là có thể ăn được thực phẩm tươi sống nên thị trường thực phẩm chế biến đóng gói nói chung, hay thực phẩm chay và thực phẩm thay thế nói riêng đều đòi hỏi khả năng cạnh tranh thị trường.

Tuy nhiên, trải qua đại dịch COVID-19, người tiêu dùng đã quan tâm hơn vấn đề an toàn thực phẩm, thực phẩm có thể dự trữ và bảo quản thời gian lâu hơn nên mang lại cơ hội thị trường cho thực phẩm chế biến đóng gói.

Một số người tiêu dùng khác trên đại bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng khẳng định, trong quá trình tìm kiếm thực phẩm chay và thực phẩm thay thế, hướng đến lối sống xanh - sạch, họ luôn ưu tiên tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ và sản xuất trong nước.

Mặc dù vậy, người tiêu dùng chỉ ưu tiên sử dụng những dòng sản phẩm, thương hiệu đạt uy tín về chất lượng, nên vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp Việt là không ngừng nỗ lực cải tiến sản xuất kinh doanh, đưa ra thị trường ngày càng nhiều hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn đúng quy định và cam kết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục