Cơ hội của phương Tây trong cuộc đua đất hiếm với Trung Quốc

20:00' - 17/08/2021
BNEWS Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ghi nhận tốc độ gia tăng tiềm lực tài chính mạnh mẽ nhờ vào nỗ lực mở cửa thị trường vốn và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT).

Bài bình luận đăng trên trang mạng của Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Italy (ISPI) cho rằng nhu cầu đất hiếm toàn cầu tăng lên hiện nay là cơ hội mà các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không thể bỏ lỡ nếu họ thực sự có ý định tạo ra chuỗi cung ứng riêng, độc lập với Trung Quốc.

Trong hơn một thập kỷ qua, đất hiếm đã nổi lên là mặt hàng quan trọng trong cuộc chạy đua giành vị trí thống trị địa kinh tế của thế kỷ XXI. Loại khoáng sản này là nền tảng cho sự phát triển của các công nghệ mới, thúc đẩy cuộc cách mạng xanh nhờ các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế. 

Đất hiếm là nguyên tố chính tạo nên các kim loại và hợp kim cần thiết cho quá trình giảm phát thải của các nền kinh tế phát triển. Do đó, đất hiếm đóng một vai trò chiến lược trong sự phát triển của các ngành công nghiệp và sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong 3-4 thập kỷ tới.

Chính vì lý do này, việc các công ty Trung Quốc gần như độc quyền sản xuất và xử lý đất hiếm là một tình thế chiến lược nan giải cơ bản đối với các chính sách công nghiệp của phương Tây. Trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc chiếm 62,8% tổng số đất hiếm được khai thác trên toàn cầu.

Trong lĩnh vực chế biến hạ nguồn và các ngành sản xuất công nghiệp liên quan (chẳng hạn như nam châm vĩnh cửu), thị phần của các công ty Trung Quốc tăng lên tới 85-90%.

Trong khi sự tập trung toàn cầu vào tay Trung Quốc từ lâu đã trở thành một thực tế được chấp nhận trong ngành đất hiếm, thì việc chính phủ nước này có xu hướng vũ khí hóa sự phụ thuộc này đã làm dấy lên cảnh báo ở tất cả các nước phương Tây. 

Trước nguy cơ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, một số nước phương Tây đã cân nhắc việc đa dạng hóa nguồn cung của họ trong thập kỷ qua, mặc dù hầu hết các nước này chỉ mới bắt đầu có những bước tiến trong vài năm gần đây. 

Nhật Bản là nước đầu tiên đối phó với tình huống này. Năm 2010, Nhật Bản nhập khẩu 90% đất hiếm từ Trung Quốc. Trong những năm qua, Nhật Bản đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Một mặt, Nhật Bản tiến hành các cuộc thăm dò địa chất để phát hiện ra các trữ lượng đất hiếm mới, chưa được khai thác và xem xét các chính sách cho phép tăng hỗ trợ tài chính cho các hoạt động thăm dò này. 

Mặt khác, các công ty Nhật Bản cũng đã tìm ra các giải pháp thay thế. Ví dụ như nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Honda tuyên bố đã phát minh ra một loại động cơ không chứa đất hiếm nặng cách đây vài năm. 

Tuy nhiên, trọng tâm trong nhiệm vụ này là đa dạng hóa nguồn cung cấp. Đi đầu trong quá trình này là Tập đoàn dầu khí và khoáng sản kim loại Nhật Bản (JOGMEC), một doanh nghiệp nhà nước, đã đầu tư mạnh vào một số quốc gia giàu tài nguyên như Namibia và Australia để hỗ trợ một mạng lưới các nhà cung cấp đất hiếm thay thế.

Hiện tại, tỷ trọng nhập khẩu đất hiếm của Nhật Bản từ Trung Quốc đã giảm xuống còn 58% và Tokyo đặt mục tiêu giảm tỷ lệ này xuống dưới 50%.

Một trong những công ty đầu tiên mà JOGMEC quyết định "đặt cược" vào là Lynas của Australia, hiện cung cấp 1/3 nhu cầu đất hiếm của Nhật Bản. Đây cũng là công ty duy nhất không phải của Trung Quốc có chuyên môn và cơ sở hạ tầng cần thiết để hoạt động trong lĩnh vực hạ nguồn chế biến đất hiếm. 

Trong 2 năm qua, Lynas đã tìm cách mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng chế biến, xây dựng một chuỗi cung ứng mới độc lập với các công ty Trung Quốc. Nỗ lực này đã được Mỹ hỗ trợ, khi Bộ Quốc phòng Mỹ dành 30 triệu USD cho việc xây dựng một nhà máy chế biến đất hiếm ở bang Texas vào tháng 2/2020.

Việc mở lại mỏ đất hiếm Mountain Pass tại California năm 2018 - từng là mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới trước khi suy giảm và đóng cửa vào năm 2000 - đánh dấu sự trở lại của Mỹ trên thị trường khai thác đất hiếm, bất chấp việc Trung Quốc gần như độc quyền về chế biến.

Tương tự, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố đất hiếm là mặt hàng thiết yếu cho quốc phòng vào năm 2019. Sự hỗ trợ của chính phủ cho nỗ lực này, mặc dù dưới những hình thức mới, vẫn tiếp tục bất chấp quá trình chuyển tiếp lãnh đạo. 

Kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ dành ngân sách cho nghiên cứu và đổi mới cũng như phát triển thị trường năng lượng tái tạo và xe điện. Hai lĩnh vực này đều có sự phụ thuộc không nhỏ vào ngành công nghiệp đất hiếm.

Sự tăng tốc rõ ràng nhất của chính quyền Tổng thống Biden đã diễn ra ở cấp độ quốc tế với sự tham gia của các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để xây dựng một chuỗi cung ứng ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. 

Chẳng hạn, diễn đàn Bộ Tứ (Quad) là nơi các nước thành viên - Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - trình bày rõ ý định phát triển năng lực khai thác và chế biến đất hiếm của họ. Vì vậy, JOGMEC đang xem xét khả năng hỗ trợ tài chính cho các dự án giai đoạn đầu hiện đang được thực hiện ở Texas và California.

Tuy nhiên, một số trở ngại vẫn chưa được khắc phục. Thứ nhất, ngành công nghiệp đất hiếm đòi hỏi kiến thức về kỹ thuật và năng lực để quản lý các tác động bên ngoài. Trên thực tế, việc khai thác và chế biến đất hiếm mang lại những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe người dân địa phương và suy thoái môi trường. 

Chẳng hạn, nhà máy chế biến đất hiếm của Lynas ở Malaysia đã bị cáo buộc không thông báo đầy đủ cho chính quyền địa phương về những rủi ro liên quan đến việc xử lý chất thải phóng xạ trong quá trình sản xuất.

Một yếu tố khác là sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc lớn, với sản lượng tăng gần 30% trong 6 tháng đầu năm 2021. Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong giai đoạn này đã vượt qua mức trước đại dịch, tăng 16,5% so với 6 tháng đầu năm 2019.  

Ngoài ra, vấn đề về tình trạng gần như độc quyền thị trường của các công ty Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng thay thế mà Washington đang thúc đẩy. Các tập đoàn quốc tế cho phép tham gia vào mỏ Mountain Pass có cả Shenghe Resources Holding, một công ty lớn của Trung Quốc trong ngành này.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất xoay quanh tính bền vững tài chính của một giải pháp thay thế cho chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Lynas, công ty đất hiếm có kinh nghiệm nhất bên ngoài Trung Quốc, trong giai đoạn 2014-2020 chỉ có 2 năm làm ăn có lãi và phải được JOGMEC hỗ trợ vào năm 2016. Theo các chuyên gia, việc tìm ra giải pháp dựa trên thị trường để tạo ra chuỗi nguồn cung thay thế sẽ gặp khó khăn. 

Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, một cam kết tài chính hào phóng, nhất quán và lâu dài của các chính phủ thực sự quan trọng cho thành công của sáng kiến này. Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ và Australia đang nâng cấp cam kết của họ và đã dành các khoản tài trợ và quỹ để hỗ trợ sự phát triển trong nước và thương mại hóa các nhà máy chế biến đất hiếm, mà người thụ hưởng chính là Lynas, với mục đích thiết lập các cơ sở bổ sung ở Kalgoorlie, Australia và Texas, Mỹ.

Điều quan trọng hơn là thị trường công nghệ xanh dự kiến phát triển song song với quá trình giảm phát thải của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, nhu cầu về đất hiếm sẽ tăng lên, không chỉ ở phương Tây mà còn ở Trung Quốc. Mặc dù chiếm ưu thế trên thị trường sản xuất, nhưng Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới kể từ năm 2018 và một số ước tính cho thấy nước này có thể trở thành nhà nhập khẩu ròng vào một thời điểm nào đó trong thập kỷ này. 

Trên toàn cầu, nhu cầu sẽ tăng và qua đó giúp thúc đẩy doanh số của các công ty đất hiếm hiện có. Mới đây nhất, công ty Lynas đã báo cáo doanh thu hàng quý kỷ lục trong tháng 7/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục