Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch giữa Việt Nam và Canada

08:19' - 22/10/2021
BNEWS Hiện Việt Nam đang tích cực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, cam kết tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp lên 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045.

Ngày 21/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã phối hợp với Bộ Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ Quebec, Cơ quan xúc tiến đầu tư Quebec, tổ chức hội thảo "Hợp tác Việt Nam - Quebec (Canada) hậu COVID-19: Cơ hội trong lĩnh vực năng lượng sạch/năng lượng tái tạo".

Tham dự hội thảo - được tổ chức dưới hình thức hỗn hợp trực tuyến-trực tiếp, ngoài đại diện của chính quyền Quebec, các doanh nghiệp ở khu vực công và tư nhân, còn có đông đảo các học giả Canada và đại diện của Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Đối với một nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam, an ninh năng lượng là một điều kiện tiên quyết. Với tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình khoảng 6% trong thập kỷ qua, mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong cùng kỳ.

Là diễn giả chính tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Canada, Phạm Cao Phong nhấn mạnh, Việt Nam - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu - đã nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang cơ cấu năng lượng mới, trong đó các nguồn năng lượng xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Hiện Việt Nam đang tích cực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, cam kết tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp lên 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045, từ mức hơn 10% hiện nay.

Sự chuyển dịch trong lĩnh vực năng lượng không chỉ đòi hỏi vốn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, mà còn cần chuyên môn kỹ thuật, công nghệ - lĩnh vực mà sự hợp tác giữa Việt Nam và Canada có thể đóng một vai trò quan trọng.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Canada là thành viên sáng lập, không chỉ thúc đẩy thương mại mà còn tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực khác, trong đó có năng lượng.

Ông Éric Marquis, Trợ lý Thứ trưởng về quan hệ song phương, Bộ Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ Quebec cho biết, hội thảo này là một phần trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Quebec- dự kiến sẽ sớm được công bố.

Chiến lược này đánh dấu một bước tiến trong quan hệ song phương, khẳng định tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với Quebec, công nhận khu vực này là trung tâm địa chính trị và kinh tế mới của thế giới. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện là thị trường xuất khẩu quốc tế lớn thứ hai của Quebec và cũng là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 10 năm qua.

Ông Éric Marquis khẳng định Việt Nam là một thị trường mới nổi có tầm quan trọng đối với Quebec, giữ vị trí đối tác số 1 của Quebec ở Đông Nam Á trong năm 2020, với thương mại tăng hơn 440% trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2020. Việt Nam cũng là một phần trong quá trình định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á.

Tại hội thảo, Đại sứ Phạm Cao Phong khuyến nghị các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường Việt Nam để khai phá những tiềm năng mới. Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh, đầu tư, trong đó có lĩnh vực năng lượng sạch/năng lượng tái tạo.

Giới chức Quebec bày tỏ hy vọng hội thảo này không chỉ khởi đầu cho việc kiến tạo mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Quebec, mà còn giúp khởi động mối quan hệ hợp tác năng động trong lĩnh vực năng lượng, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những thị trường điện hoạt động hiệu quả nhất ở Đông Nam Á.

Đại diện chính quyền Quebec cam kết sẽ tiếp tục cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Canada tổ chức các hội thảo trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm./.

>>Giải pháp tối ưu vận hành và quản lý năng lượng tái tạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục