Cơ quan chức năng vớt và tiêu hủy số lợn chết do người dân vứt xuống suối

17:03' - 13/06/2019
BNEWS Chiều 13/6, cơ quan chức năng thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tiến hành vớt, tiêu hủy số lợn chết do người dân vứt xuống suối Chùa, đoạn thuộc khu phố 6, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa.
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Trước đó, sáng 13/6, sau khi nhận phản ánh của người dân về việc một số con lợn chết được vứt xuống suối Chùa, Trạm Thú y và Công an thành phố Biên Hòa đã phối hợp với chính quyền phường Long Bình có mặt tại hiện trường.

Qua kiểm tra, ngành chức năng ghi nhận có 6 con lợn chết (trọng lượng khoảng 100kg/con) được vứt xuống suối. Tất cả số lợn này đã bị trường phình, bốc mùi hôi thối, đang trong quá trình phân hủy.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng Đồng Nai phát hiện lợn chết bị vứt xuống suối. Dịch tả lợn châu Phi có nhiều đường lây lan, nhưng chủ yếu là lây lan qua đường vận chuyển (lợn bệnh di chuyển từ vùng này sang vùng khác).

Hành vi vứt lợn chết ra sông, suối rất nguy hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bùng phát. Ngành nông nghiệp Đồng Nai đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng vứt lợn bệnh, lợn chết ra môi trường. Người dân khi có lợn mắc bệnh, chết bất thường cần báo cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.

Theo ông Quang, hiện dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan ở Đồng Nai, mới đây, tỉnh đã ghi nhận thêm 1 ổ dịch tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu). Đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai có 11 xã thuộc 3 huyện (Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành) xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt chú trọng kiểm soát lợn lưu thông trên địa bàn, kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Tại Quảng Trị: Ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Trần Thanh Hiền vừa giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu văn bản trình UBND tỉnh Quảng Trị về việc dừng 3 chốt chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi ở phía Bắc và phía Nam đóng trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh của tỉnh để rút lực lượng về tăng cường tại các chốt chặn ở những địa phương có dịch đang xảy ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 172 hộ, 46 thôn, 24 xã, phường của các huyện: Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong và thành phố Đông Hà, với tổng số trên 1.150 con lợn mắc bệnh chết và tiêu hủy.

Đáng chú ý, dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Trị bắt đầu xảy ra ở những hộ chăn nuôi có quy mô lớn. Minh chứng là tại huyện Hải Lăng đã có 4 hộ chăn nuôi lợn với số lượng lớn phải tiêu hủy từ 50 - 120 con do mắc bệnh này.

Hiện nay, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị tập trung phối hợp những chủ hộ chăn nuôi, tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng, trong đó thực hiện liên tục ở vùng có dịch; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn.

Tăng cường tuyên truyền để người dân nghiêm túc thực hiện “5 không”: không giấu khi lợn bệnh; không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh; không bán lợn bệnh; không vận chuyển lợn bệnh; không vứt xác lợn chết bừa bãi….

Theo thống kê sơ bộ, đến nay, cả nước đã có 55 tỉnh, thành phố bị dịch tả lợn châu Phi./.

Xem thêm:

>>Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn khi tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả

>>Yên Bái tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục