Cơn "ác mộng" về quyền riêng tư đặt trên "những chiếc bánh xe"

06:30' - 17/10/2023
BNEWS Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ô tô là một trong những loại sản phẩm kém riêng tư nhất.
Ô tô là một trong những loại sản phẩm kém riêng tư nhất. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo bài viết của tác giả Katharine Kemp - Phó Giáo sư tại Khoa Luật và Tư pháp, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ, luật và đổi mới Allens tại Đại học New South Wales (Australia) trên Tạp chí The National Tribute mới đây, những chiếc ô tô có tính năng kết nối Internet đang nhanh chóng trở thành những “cỗ máy thu thập dữ liệu toàn diện” – đây được coi là “cơn ác mộng về quyền riêng tư đặt trên những chiếc bánh xe”.

Trong một nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận Mozilla Foundation ở Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu đã xem xét các điều khoản về quyền riêng tư của 25 thương hiệu ô tô - những hãng xe được cho là đang thu thập hàng loạt dữ liệu của khách hàng, từ nét mặt, biểu cảm, hoạt động riêng tư trên xe cho đến dữ liệu về thời điểm, địa điểm và cách thức lái xe.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra các điều khoản cho rằng các công ty sản xuất ô tô được phép chuyển những dữ liệu này cho bên thứ ba. Nhóm nghiên cứu cũng kết luận rằng ô tô là một loại sản phẩm kém riêng tư nhất trong số các sản phẩm mà họ từng xem xét.

Các bộ luật về quyền riêng tư của Australia không có điều khoản bảo vệ khối lượng lớn thông tin cá nhân vốn đang được các công ty ô tô thu thập và chia sẻ. Và vì luật quyền riêng tư của Australia không đòi hỏi các công ty công khai chi tiết hoạt động thu thập dữ liệu, giống như các bang của Mỹ đang làm, do vậy Australia đang không biết rằng các công ty ô tô đang làm gì với dữ liệu của người dân nước này.

* Ô tô thu thập dữ liệu bằng cách nào?

Ngoài việc thu thập dữ liệu trực tiếp qua hệ thống thông tin giải trí trên ô tô, nhiều ô tô có thể thu thập dữ liệu ở chế độ “chạy ngầm” thông qua hệ thống camera, micro, cảm biến cũng như qua điện thoại hoặc các thiết bị khác kết nối với xe.

Những dữ liệu được thu thập bao gồm: tốc độ; cách thức sử dụng vô lăng, phanh và chân ga; sử dụng dây an toàn; chế độ cài đặt thông tin giải trí; danh bạ điện thoại; điểm đến và tuyến đường đi; giọng nói; vị trí của xe và môi trường xung quanh xe; và thậm chí cả cảnh quay của người lái xe và gia đình họ bên ngoài ô tô (Có những báo cáo cho thấy, trong khoảng từ năm 2019 đến 2022, các nhân viên của Tesla đã chia sẻ nội bộ những đoạn video ghi lại khoảnh khắc thân mật, nhạy cảm của khách hàng được thu thập từ ô tô của họ).

Rất nhiều dữ liệu (hoặc ít nhất một phần) trong số đó được sử dụng cho các mục đích hợp pháp như giúp việc lái xe trở nên thú vị hơn và an toàn hơn cho người lái xe, hành khách và người đi đường. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được kết hợp với những dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn và được sử dụng cho các mục đích khác, ví dụ như dữ liệu từ những đợt truy cập các trang web, dữ liệu thu thập khi khách hàng lái thử xe tại các đại lý bán xe hoặc từ bên thứ ba, bao gồm từ các nhà quảng cáo hoặc các nhà cung cấp các thiết bị/sản phẩm/hệ thống thu thập dữ liệu mà khách hàng sử dụng. Ở phạm vi rộng hơn, các thiết bị như tivi, tủ lạnh và thậm chí là các thiết bị theo dõi trẻ sơ sinh cũng có thể thu thập dữ liệu về chúng ta.

Mozilla chỉ ra rằng những dữ liệu tổng hợp này có thể được sử dụng để phát triển một bộ hồ sơ về trí thông minh, năng lực, đặc điểm, sở thích của người lái xe và hơn thế nữa.  

* Ô tô kết nối Internet có thể truyền dữ liệu theo thời gian thực

Mặc dù ô tô đã thu thập một lượng lớn thông tin kể từ khi chúng trở thành "những chiếc máy tính đặt trên những bánh xe", nhưng dữ liệu này thường được lưu trữ trong các mô-đun trong xe và chỉ được truy cập khi ô tô được kết nối vật lý với thiết bị chẩn đoán chuyên dụng.

Tuy nhiên, các dòng ô tô hiện nay đang được trang bị các tính năng kết nối internet, có nghĩa là chúng có thể kết nối và truyền tải dữ liệu giữa các nhà sản xuất ô tô, nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba, người dùng, nhà điều hành cơ sở hạ tầng và các phương tiện khác.

Điều này có nghĩa là xe ô tô có chức năng kết nối Internet có thể truyền tải dữ liệu cá nhân, các hoạt động của khách hàng hàng ngày đến nhiều công ty khách nhau.

* Dữ liệu sẽ đi về đâu?

Người Australia biết rất ít về cách thức dữ liệu cá nhân của họ được sử dụng như thế nào và ai sẽ là người sử dụng những dữ liệu này.

Trong nghiên cứu của mình, Mozzilla đã phát hiện dữ liệu từ ô tô của người tiêu dùng đang được chia sẻ cho các công ty khác nhằm mục đích tiếp thị và quảng cáo có mục tiêu. Những dữ liệu này cũng được bán cho các nhà môi giới dữ liệu.

Mozilla có điều kiện phát hiện thông tin ở mức độ rất chi tiết, phần lớn là nhờ luật pháp của bang California và Virginia (Mỹ) yêu cầu các công ty tiết lộ cụ thể về đối tượng sử dụng dữ liệu cá nhân được thu nhập và mục đích của việc thu thập là gì (cùng với đó là các tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt khác).

Trong khi đó, luật riêng tư của Australia không yêu cầu các công ty tiết lộ cụ thể như vậy. Đây là lý do khiến các hãng ô tô thường có chính sách bảo mật riêng đối với thị trường Australia.

Nhìn vào chính sách quyền riêng tư của nhiều hãng cung cấp ô tô kết nối internet ở Australia, chúng ta có thể thấy một số tuyên bố khá chung chung và mơ hồ. Bên cạnh việc sử dụng dữ liệu để cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng, các công ty này sẽ tiết lộ dữ liệu cho những bên khác với mục đích “nghiên cứu khách hàng”; sử dụng dữ liệu để lên danh mục khách hàng quan tâm đến sản phẩm của họ; cùng với các công ty liên quan trên toàn cầu sử dụng dữ liệu cho “mục đích phân tích dữ liệu” và “mục đích nghiên cứu và phát triển” khá “mơ hồ” hoặc chia sẻ dữ liệu cho “các bên thứ ba ‘không xác định’ liên quan đến phát triển chiến lược tiếp thị mới”.

Một số công ty cho rằng họ có thể tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng cho cơ quan thực thi pháp luật hoặc chính phủ, ngay cả khi luật không yêu cầu điều này. Các công ty cho rằng “việc sử dụng hoặc tiết lộ dữ liệu là điều cần thiết và phù hợp để hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật”.

* Các điều khoản tự nguyện

Có thể nói, các nhà sản xuất ô tô thường không muốn luật quyền riêng tư của Australia thắt chặt hơn.

Trong quá trình luật về quyền riêng tư của Australia được xem xét lại, Phòng Công nghiệp ôtô liên bang Australia (FCAI) - nhóm đại diện cho các công ty phân phối 68 thương hiệu phương tiện khác nhau ở Australia - đã đệ trình lên Bộ Tư pháp để phản đối nhiều nội dung cải cách luật đang được xem xét.

Thay vào đó, FCAI quảng bá “Bộ quy tắc ứng xử tự nguyện về bảo vệ dữ liệu ô tô và quyền riêng tư” của riêng mình. Văn bản thiếu chặt chẽ này dường như được soạn thảo nhằm trấn an người tiêu dùng mà không bổ sung thêm bất kỳ biện pháp bảo vệ quyền riêng tư nào ngoài các nghĩa vụ pháp lý hiện có.

Chẳng hạn, các bên tham gia (các hãng ô tô) ký kết bộ quy tắc trên không tuyên bố rằng họ bị ràng buộc bởi tài liệu này. Họ cũng không cam kết sẽ tuân thủ các điều khoản mà tài liệu nêu, thay vào đó chỉ tuyên bố rằng các nguyên tắc nêu trong Bộ quy tắc sẽ “thúc đẩy đẩy cách tiếp cận của họ trong việc xử lý dữ liệu do phương tiện thu thập và thông tin cá nhân liên quan”. Không có bất kỳ hình phạt nào đối với việc không tuân thủ Bộ quy tắc.

Bộ quy tắc trên cũng lưu ý rằng các bên thứ ba ngày càng quan tâm đến việc truy cập và sử dụng dữ liệu của người tiêu dùng để cung cấp dịch vụ, bao gồm các công ty bảo hiểm, nhà điều hành bãi đậu xe, nhà cung cấp giải trí, mạng xã hội và nhà điều hành công cụ tìm kiếm.

Tài liệu này cho biết các công ty cung cấp dữ liệu cho các bên thứ ba “sẽ cố gắng thông báo cho khách hàng” về điều này.

* Australia cần cải cách về luật quyền riêng tư

Tiếp sau đợt đánh giá về Luật quyền riêng tư kể từ năm 2020, Chính phủ Australia gần đây đã đưa ra những đề xuất cải cách có tính chất quan trọng và trên diện rộng. Tuy nhiên, những cải cách này đã không còn mang tính cập nhật.

Australia cần đưa ra những đề xuất mới, chẳng hạn như cập nhật định nghĩa thế nào là “thông tin cá nhân” và yêu cầu tiêu chí cao hơn của việc “chấp thuận” – điều này có thể giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi xâm phạm và thao túng dữ liệu.

Việc đề xuất các đợt kiểm tra về mức độ “công bằng và hợp lý” cũng sẽ đánh giá liệu một trường hợp thu thập dữ liệu của khách hàng cụ thể có thực sự công bằng hay không. Điều này sẽ giúp tránh việc các công ty tuyên bố rằng “hoạt động xử lý dữ liệu của người tiêu dùng là hợp pháp vì người tiêu dùng đã đưa ra sự chấp thuận”.

FCAI cho rằng có nhiều loại xe không được thiết kế để dành riêng cho một thị trường tương đối nhỏ ở Australia, do vậy các tiêu chuẩn về quyền riêng tư ngày một bị siết chặt có thể dẫn đến việc một số mẫu xe không được tung ra thị trường này. Nhưng đây không phải là lý do để gạt bỏ các phương tiện giao thông ra khỏi đợt cải cách luật về quyền riêng tư.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang xem xét điều chỉnh luật quyền riêng tư. Các cơ quan chính phủ Australia nên phối hợp với các đối tác quốc tế nhằm bảo về quyền riêng tư của những người lái xe ở Australia và trên toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục