Con đường gắn kết và phát triển - Bài cuối: Tạo cơ chế đặc thù

17:50' - 24/04/2023
BNEWS Việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 có liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều hộ dân. Vì vậy, có nhiều việc các tỉnh, thành phố cần phải giải quyết ngay những kiến nghị để đáp ứng tiến độ dự án.

 

Trong khi đó, nếu phải xin ý kiến của các Bộ, ngành sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án. Một cơ chế đặc thù hay sự phân cấp, san sẻ công việc cùng với giám sát chặt chẽ là rất cần thiết đối với một dự án mang tầm vóc quốc gia như Dự án đường Vành đai 4.

* Vành đai 4 - bất động sản quốc gia

Tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội giáp ranh với nhau nhưng việc kết nối giữa hai địa phương lại chưa thuận lợi, tốn thời gian, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như giao lưu về văn hóa và các lĩnh vực khác. Song, với sự ra đời của đường Vành đai 4 thì Hưng Yên được ví như “hổ mọc thêm cánh”.

Lúc ấy thì việc lưu thông giữa Hà Nội và “xứ nhãn lồng” sẽ được rút ngắn đáng kể cả về khoảng cách lẫn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu cụm, công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong việc tiếp nhận các nhà đầu tư đến từ Thủ đô.

Nhìn nhận về nội dung trên, ông Nguyễn Đại Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng.

Từ đó, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành các liên kết kinh tế gắn bó chặt chẽ hơn giữa Hưng Yên với Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khác nói chung.

Ngoài phân tích về lợi thế từ đường Vành đai 4, ông Tạ Đình Thi (Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, Dự án Vành đai 4 cần được cơ quan liên quan rút kinh nghiệm từ những tuyến đường đã triển khai trước đây.

Theo đó, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố cần thực hiện hiệu quả quy hoạch. Bên cạnh việc quy hoạch, hướng tuyến, hành lang công trình thì cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước...

Đề cập việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật tốt nhất để đường vành đai sử dụng được khoảng 100 năm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) cũng bày tỏ, cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia.

Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên thân thể con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước. Vì vậy, phải làm cho hiệu quả, chất lượng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do con đường giúp kết nối nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học…, để các tỉnh thành, cùng gắn kết và phát triển.

* Cơ chế để cán đích

Có thể nhận thấy, lâu nay, trong các dự án đường vành đai chiến lược quốc gia, sự tham gia của các cấp địa phương rất hạn chế. Đó cũng có thể là một trong những lý do khiến tiến độ triển khai chậm trễ, các hạng mục thực hiện kém hiệu quả và quan trọng nhất là làm chậm bước tiến của đất nước trong quá trình phát triển.

Do đó, khi giao nhiệm vụ cho các cấp ở địa phương làm thì với nỗ lực và trách nhiệm của tỉnh có dự án đường Vành đai 4, hiệu quả sẽ rất cao.

Về quan điểm trên, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, dự án đường Vành đai 4 có lợi thế là nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Quốc hội, thể hiện qua việc Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Cụ thể, ngày 9/8/2022, tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Quốc hội đã chuyển số vốn 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải về các địa phương thực hiện dự án là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên; cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp cơ cấu nguồn vốn, tiến độ thực hiện.

Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cũng lưu ý, dù đã có sự phân cấp ủy quyền nhưng quá trình triển khai một dự án lớn, liên kết vùng sẽ có phát sinh từ khâu giải phóng mặt bằng đến thi công. Do đó, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất lớn của Ban chỉ đạo và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên với Hà Nội. Khi có vấn đề phát sinh cần phải được phối hợp giải quyết kịp thời.

Tại tỉnh Bắc Ninh, quá trình triển khai dự án đã xuất hiện một số khó khăn như: Các cơ quan Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần; chưa có văn bản thống nhất về hướng tuyến, giải pháp thiết kế nút giao, cầu vượt ngang, giải pháp kỹ thuật tại các vị trí tiếp giáp… để có đủ cơ sở pháp lý triển khai dự án thành phần.

Còn tại tỉnh Hưng Yên, trong cuộc họp ngày 13/4/2023 của Ban chỉ đạo, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng nêu một số khó khăn khi triển khai các dự án thành phần, kinh phí giải phóng mặt bằng chưa khớp dẫn tới vượt hơn 2.000 tỷ đồng so với khái toán theo khảo sát ban đầu.

Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên kiến nghị, cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng theo đúng với thực tế diễn ra tại địa phương".

Từ những vướng mắc trên, một số chuyên gia nhận định, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần kịp thời tháo gỡ cho các địa phương kể trên. Mặt khác cũng đề xuất phân cấp cho địa phương trong việc tự quyết định một số phần việc thuộc dự án đường Vành đai 4.

Vì việc này không chỉ quan trọng đối với dự án mà đây còn là cách tiếp cận để đổi mới cơ chế quản lý, san sẻ công việc giữa các bộ, ngành và tỉnh, thành phố. Khi các tỉnh, thành phố được ủy quyền tự chủ sẽ tạo thế chủ động triển khai dự án sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Bằng chứng là tại thành phố Hà Nội cũng đã giao cho các quận, huyện có dự án đi qua tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Với cách tiếp cận như vậy, có ý kiến chuyên gia cho rằng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan như: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư… cũng cần có cơ chế phân, cấp ủy quyền cho các địa phương đang triển khai dự án đường Vành đai 4.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cấp nào thực hiện hiệu quả thì nên giao cho cấp đó. Trao quyền cho địa phương thực chất là giao trách nhiệm và cần một cơ chế giám sát việc phân cấp hiệu quả.

Cho đến lúc đưa vào vận hành, thời gian triển khai xây dựng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn dài và sẽ không tránh khỏi những phát sinh, vướng mắc. Song, tin tưởng rằng, với sự quan tâm trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành hay việc tạo ra những cơ chế đặc thù sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tương lai về một liên kết vùng tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng Thủ đô và đất nước đã dần trở thành hiện thực./.

Xem thêm:

>>Dự án đường Vành đai 4 - Bài 1: Kỳ vọng của nhân dân

>>Dự án đường Vành đai 4 - Bài 2: Quyết sách chưa có tiền lệ

>>Dự án đường Vành đai 4 - Bài 3: Chính quyền quyết tâm, người dân đồng lòng

>>Dự án đường Vành đai 4 - Bài 4: Đường tới đâu, giàu tới đó

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục