Còn thủ tục hành chính được ban hành mà chưa qua đánh giá tác động

21:11' - 09/11/2015
BNEWS Nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính chưa được đánh giá tác động nhưng vẫn được ban hành.
Hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại khu vực giao dịch một cửa điện tử ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 9/11, Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị đánh giá công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính 10 tháng và tình hình thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015.

Báo cáo của Cục kiểm soát thủ tục hành chính cho thấy, 10 tháng năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

Trong đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ liên quan đến việc giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao dịch về bảo hiểm xã hội được thực hiện qua internet, giảm số lần giao dịch doanh nghiệp phải tiến hành mỗi năm từ 12 lần xuống còn một lần.

Bộ Công Thương tổ chức thực hiện thí điểm cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) qua mạng nhằm giảm “gánh nặng” về thủ tục cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã chính thức ban hành quy trình kiểm tra thuế hướng tới mục tiêu cải cách hành chính, tránh gây phiền hà cho người nộp thuế, theo đó, các Cục Thuế sẽ thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá một lần/năm và nếu kế hoạch kiểm tra của cơ quan Thuế cấp dưới có sự chồng chéo với kế hoạch của cơ quan Thuế cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch cơ quan cấp trên.

Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên toàn bộ hệ thống cảng biển quốc tế của cả nước cơ chế một cửa quốc gia, tạo điều kiện cho việc thông quan hàng hóa được thuận lợi, nhanh gọn… Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đến tháng 10/2015, 9/9 Bộ được giao rà soát, đơn giản hóa 13 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm đã hoàn thành hệ thống hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan.

Có 6/9 Bộ đã hoàn thành nghiên cứu, đề xuất phương án đơn giản hóa gửi Bộ Tư pháp tham gia ý kiến gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là Bộ đầu tiên hoàn thành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trình Thủ tướng Chính phủ.

Hiện 17/24 Bộ, cơ quan đã ban hành danh mục thủ tục hành chính chuẩn hóa, trong đó, Bộ Công Thương là Bộ đi đầu trong việc thực hiện chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính, các nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ.

Còn 7 Bộ, ngành đang triển khai, chưa phê duyệt danh mục thủ tục hành chính gồm các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ. 49/63 địa phương đã ban hành danh mục thủ tục hành chính đặc thù.

Tổng số thủ tục hành chính đặc thù trong danh mục của 49 địa phương đã phê duyệt là: 1.380 thủ tục; trong đó, nơi có nhiều thủ tục nhất là tỉnh Đắc Nông với 175 thủ tục hành chính đặc thù và Nghệ An với 136 thủ tục đặc thù.

Bên cạnh đó, việc đánh giá tác động thủ tục hành chính tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại một số cơ quan chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính chưa được đánh giá tác động nhưng vẫn được ban hành. Nhiều thủ tục hành chính mặc dù có đánh giá tác động nhưng chưa bảo đảm yêu cầu, thậm chí, một số tỉnh như các tỉnh: Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị còn tình trạng ban hành thủ tục hành chính dưới hình thức quyết định cá biệt (trái với quy định tại Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính).

Do đó, vẫn còn tồn tại các thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Tại nhiều Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng chậm công bố thủ tục hành chính trong khi văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực thi hành, dẫn đến việc niêm yết thủ tục hành chính không bảo đảm theo quy định.

Trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn tình trạng yêu cầu thêm giấy tờ, tờ khai không đúng theo quy định, không có phiếu hẹn trả kết quả hoặc nếu có thì ghi không đúng thời hạn giải quyết tại văn bản quy phạm pháp luật, còn tồn tại trường hợp giải quyết thủ tục hành chính quá hạn nhiều ngày…

Việc công bố thủ tục hành chính của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ còn chậm cũng làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công bố, công khai thủ tục hành chính của các địa phương.

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, từ nay đến hết năm chỉ còn 2 tháng cho các Bộ hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng, các Bộ tiếp tục triển khai hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn trước ngày 31/12./.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục