Condotel vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

15:48' - 02/04/2018
BNEWS Năm 2018, các chuyên gia bất động sản cho rằng, loại hình bất động sản mới Condotel (căn hộ khách sạn du lịch) vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và sẽ tiếp tục giữ vững đà phát triển.
Phối cảnh minh họa ý tưởng đầu tư khu condotel 6 sao trong quần thể FLC Nghệ An.

Năm 2018, các chuyên gia bất động sản cho rằng, loại hình bất động sản mới Condotel (căn hộ khách sạn du lịch) vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và sẽ tiếp tục giữ vững đà phát triển. Phân khúc này không chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vốn đã quen thuộc với loại hình căn hộ nghỉ dưỡng mà còn hấp dẫn ngay cả nhà đầu tư trong nước đổ tiền vào.

Trong Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, Việt Nam thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa và đóng góp trên 10% GDP. Đồng thời, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và tạo ra 4 triệu việc làm.... Đây cũng chính là một trong những thuận lợi cho Condotel có đất phát triển.

Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 500.000 buồng phòng tại các cơ sở lưu trú. Trong khi đó, thực tế hoạt động du lịch của Việt Nam đang có đà tăng trưởng rất nhanh, thậm chí như du khách nội địa đã vượt qua mốc dự kiến của năm 2025.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, hiện hệ số sử dụng phòng khách sạn tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các khu du lịch nghỉ dưỡng đạt mức cao (trên 90%).

Việc đặt phòng vào các dịp nghỉ lễ rất khó khăn. Như vậy, cần phải tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hàng trăm ngàn buồng phòng nữa để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Condotel và Vila Resort (biệt thự du lịch) là loại hình bất động sản mới xuất hiện tại Việt Nam những năm gần đây và đang tạo nên xu hướng đầu tư mới.

Năm 2017, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại một số thị trường chủ đạo như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh… đã có hơn 22.800 căn hộ du lịch được chào bán với số giao dịch thành công là hơn 12.500, ông Nam dẫn chứng. Nguồn cung này đã bổ sung đáng kể về cơ sở lưu trú khi mà lượng khách du lịch tăng đột biến và có nhu cầu thụ hưởng dịch vụ cũng như cở sở vật chất tốt.

Nhiều chủ đầu tư lớn trong nước như Vingroup, Sun Group, CEO Group... cũng đã nhanh chóng nhập cuộc và tập trung phát triển hàng chục dự án với hàng ngàn căn hộ Condotel.

Số liệu Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra cho thấy, thị trường Khánh Hòa đang giữ “kỷ lục” về số căn hộ Condotel với hơn 11.800 căn; tiếp đến là Đà Nẵng với (hơn 7.000 căn).... Ngay cả địa bàn mới như Quảng Ninh cũng nhanh chóng góp tới 1.300 căn Condotel mở bán trong năm qua.

FLC Grand Hotel Hạ Long sở hữu vị trí đắc địa mà hiếm dự án condotel nào tại Quảng Ninh so sánh được. Ảnh: FLC 

Ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc Joneslanglasalle (JLL) Việt Nam nhận định, sở dĩ các nhà đầu tư mạnh tay “đổ vốn” vào phân khúc này vì họ muốn tận dụng cơ hội bắt nhịp với sự phát triển của ngành du lịch với lượng khách du lịch quốc tế và trong nước đang gia tăng mạnh hàng năm. 

Riêng năm 2017, Việt Nam đã đón gần 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng đến 30% năm 2016. Đây là con số kỷ lục đưa Việt Nam lọt vào Top 10 thị trường tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Và cũng chính các sản phẩm Condotel đã phục vụ rất tích cực và hiệu quả cho du lịch.

Với mục tiêu đón 15 triệu lượt khách quốc tế năm 2018, nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là Condotel sẽ vẫn chưa thể “hạ nhiệt” trong năm nay. 

Mặc dù vậy, sự phát triển của condotel vẫn chưa “thuận buồm xuôi gió” bởi tính pháp lý còn “bấp bênh”. Ông Nguyễn Trần Nam khẳng định, do đây là loại hình bất động sản mới, chưa được điều chỉnh tại các pháp luật có liên quan, nên gây nhiều khó khăn trong quản lý của cơ quan quản lý nhà nước; ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân cũng như doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Luật Du lịch 2017 đã quy định loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch. Như vậy, sản phẩm bất động sản mới mẻ này đã được pháp luật thừa nhận và được điều tiết bởi Luật Du lịch. Bởi vậy, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đưa ra các kiến nghị nhằm “rạch ròi” tính pháp lý cho Condotel để sản phẩm này yên tâm phát triển.

Đồng quan điểm về những bất cập mà condotel phải đối mặt, ông Stephen Wyatt cho rằng, hiện có những sợi dây níu kéo đà tăng trưởng của phân khúc này. Khung pháp lý cho loại hình condotel vẫn còn nhiều bất cập. Tính pháp lý của loại hình bất động sản này đang gặp nhiều vướng mắc bởi chưa được đề cập đến trong các văn bản luật hiện hành.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, hiện có 6 vấn đề cần được tháo gỡ sớm. Trước tiên là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ/biệt thự du lịch cho khách hàng. Tiếp đến là thời hạn sở hữu bởi đa số khách hàng khi mua bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng đều có mong muốn được sở hữu lâu dài, vừa cho mục đích kinh doanh khai thác hiện tại, vừa là một tài sản để lại cho con cháu sau này.

Việc chuyển nhượng Hợp đồng mua bán cũng cần được làm rõ. Pháp luật kinh doanh bất động sản mới chỉ quy định chi tiết đối với trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà mà chưa có quy định về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình xây dựng (không phải nhà ở) hình thành trong tương lai.

Điều này gây khó cho khách mua nên cần được tháo gỡ sớm, ông Nguyễn Trần Nam đề xuất. Cùng đó, Hợp đồng Mẫu (hợp tác kinh doanh) và chế tài cũng như quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hoặc vấn đề sở hữu Condotel của cá nhân nước ngoài cũng nên được làm rõ.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của loại hình condotel khiến khung pháp lý cho loại hình này chưa theo kịp. Mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ xin ý kiến về điều kiện hướng dẫn sử dụng căn hộ du lịch. Tuy nhiên, việc thống nhất khái niệm Condotel, Resort vẫn phải tiếp tục bàn với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục