Công bố kết quả kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp

15:13' - 11/07/2016
BNEWS Ngày 11/7, Bộ Công Thương đã công bố kết quả thanh, kiểm tra việc chấp hành hoạt động kinh doanh đa cấp tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này và đã phát hiện nhiều sai phạm.

Theo đó, từ ngày 21/3/2016, Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 7 doanh nghiệp, bao gồm các công ty: TNHH Amway Việt Nam, TNHH Unicity Marketing, TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Cổ phần Liên kết tri thức, Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long.

Tại lần công bố này, Bộ Công Thương đã chính thức có kết luận kiểm tra tại 4 công ty là Công ty cổ phần Liên kết tri thức (K-Link), Công ty TNHH nhượng quyền Thương mại Thăng Long, Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam. Đồng thời, chuyển cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại Công ty cổ phần Liên kết tri thức, một số hợp đồng bán hàng đa cấp của công ty ký với nhà phân phối không điền đầy đủ các thông tin theo quy định. Nhiều nhà phân phối có địa chỉ ghi trên chứng minh nhân dân tại một địa phương nhưng hoạt động kinh doanh tại một địa phương khác.

Không chỉ vậy, K-Link không cung cấp được bằng chứng về việc đã gửi Báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2015 đến các Sở Công Thương Bạc Liêu và Đà Nẵng; Báo cáo định kỳ năm 2015 đến Sở Công Thương Tây Ninh, nơi công ty có hoạt động bán hàng đa cấp.

Bên cạnh đó, các khoản khuyến mại dành cho nhà phân phối được pháp luật về thuế coi là chi phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại và bị khống chế mức trần chi phí 15%. Công ty K-Link cũng không kê khai đầy đủ thông tin về số lượng hàng bán và số tiền mua hàng thu từ từng nhà phân phối.

Đối với Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long, công ty này ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không theo mẫu hợp đồng đã được sửa đổi, bổ sung theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sửa đổi lần 4 ngày 25/9/2015; ký nhiều hợp đồng với cùng một nhà phân phối và cho phép một nhà phân phối có nhiều mã số.

Cùng với đó, địa điểm tổ chức đào tạo trong danh sách đào tạo của công ty này không khớp với địa điểm thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo; không xuất trình được bằng chứng chứng minh rằng công ty đã thực hiện thủ tục thông báo tới các Sở Công Thương Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đối với lần sửa đổi, bổ sung thứ 4 và tới các Sở Công Thương Thái Bình, Phú Thọ, Đồng Nai, Vĩnh Phúc đối với lần sửa đổi, bổ sung thứ 5 của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, nội dung quảng cáo của 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thymo-Zin và thực phẩm chức năng viên nén bao phim Thymo Plus tại cuốn Cẩm nang khởi nghiệp phát cho nhà phân phối và trang thông tin điện tử http://thanglongmlm.com.vn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có nhiều điểm sai lệch về thành phần, công dụng so với xác nhận công bố.

Trong quá trình thực hiện các chương trình khuyến mại, Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long cho phép nhà phân phối nhận các lợi ích không được quy định trong Chương trình trả thưởng cũng như nội dung khuyến mại đã đăng ký; kê khai và ghi nhận doanh thu thấp hơn số liệu do đại lý cung cấp khoảng 34 tỷ đồng.

Đối với Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, công ty này đã sử dụng một số hợp đồng không đúng với mẫu đã đăng ký với Cục Quản lý cạnh tranh để ký kết với nhà phân phối, không điền đầy đủ thông tin nhà phân phối theo quy định, ký hợp đồng với người nước ngoài khi họ chưa có giấy phép lao động tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, công ty này khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp không đúng với thực tế hoa hồng đã chi trả cho người tham gia.

Qua kiểm tra tài liệu lưu hành các sản phẩm gồm: thực phẩm chức năng viên nang mềm dầu cá biển giọt vàng Alaska, phân bón lá Eco-Hydro, Eco-Nereo và phân bón hữu cơ vi sinh EMZ, đoàn phát hiện công ty này có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường.

Ngoài ra, khi kiểm tra trang thông tin điện tử tại địa chỉ http://admin.aviinet.com của công ty cho thấy một số nội dung chưa phù hợp về quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink), kết quả kiểm tra cho thấy, website của công ty tại địa chỉ Vina-link.com.vn là website thương mại điện tử bán hàng nhưng chưa thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền…

Với 4 công ty đã có kết luận kiểm tra nói trên, tùy theo tính chất của hành vi có dấu hiệu vi phạm, Bộ Công Thương đã chuyển cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền.

Ngoài ra, trong thời gian tiến hành kiểm tra, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp đối với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương chỉ đạo Đoàn kiểm tra một mặt vẫn thực hiện kiểm tra theo quy định, mặt khác phải tiến hành xem xét và yêu cầu công ty giải trình, xử lý từng khiếu nại mà Bộ Công Thương nhận được.

Theo kế hoạch, Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Amway Việt Nam từ ngày 18/7/2016. Sau khi có báo cáo kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ ban hành kết luận kiểm tra và cung cấp công khai nội dung kết luận kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam, ngày 27/5/2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã kiểm tra và ban hành Quyết định số 141/QĐ-QLCT xử phạt Công ty TNHH Unicity Marketing về một số hành vi vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với số tiền phạt là 110 triệu đồng.

Nội dung xử phạt Công ty TNHH Unicity Marketing đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục