Công cụ thực hiện tăng trưởng xanh

15:42' - 29/08/2017
BNEWS Đô thị xanh tại Việt Nam chính là công cụ thực hiện tăng trưởng xanh, là mô hình tiên phong cho khu vực và quốc gia.

Hiện Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về đô thị xanh và hầu hết chỉ tập trung vào tăng trưởng xanh phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Trong khi đó, đô thị xanh lại chính là yếu tố liên kết quan trọng để tạo ra sự phát triển bền vững.

Công cụ thực hiện tăng trưởng xanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định, khi các đô thị thực hiện chiến lược cấp quốc gia về tăng trưởng xanh thì nhờ đó cũng sẽ đảm bảo cân bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như duy trì tính bền vững.

Bởi vậy, xu thế hiện nay là phải khuyến khích các đô thị trọng điểm của Việt Nam tăng trưởng xanh và phát triển thành một mô hình dẫn đầu. Đô thị xanh tại Việt Nam chính là công cụ thực hiện tăng trưởng xanh, là mô hình tiên phong cho khu vực và quốc gia.

Trong vòng 7 năm, Việt Nam đã lên kế hoạch dài hạn cho việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh (từ 2014 đến 2020). Mục tiêu hướng tới là phát triển hạ tầng, giảm phát thải khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo đó, quy hoạch công trình trình phục vụ tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính được chú trọng; đặc biệt là khuyến khích sử dụng năng lượng tái chế, xanh hóa sản xuất và lối sống, tiêu thụ bền vững.

Tuy nhiên, hiện vấn đề quản lý sự chuyển đổi đô thị là một nhiệm vụ khó khăn. Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa của nhiều thành phố lớn đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức như tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt qua khả năng điều hành của chính quyền địa phương.

Cùng đó là sự phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; vấn đề di cư thiếu kiểm soát, chênh lệch giàu nghèo, liên kết đô thị - nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, hệ thống phân loại đô thị không xem xét các chỉ tiêu quan trọng như mật độ dân số và các liên kết để thúc đẩy tăng trưởng. Việc thiếu sự điều phối và gắn kết phát triển cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đầy đủ đến việc kết nối kinh tế nông thôn - đô thị hay chính sách “hộ khẩu”... đã tạo ra tình trạng phân biệt đối xử đối với người nhập cư trong tiếp cận cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội.

Do đó, để thực hiện mục tiêu đặt ra, tăng trưởng xanh không chỉ là sự phục hồi những tác động bất lợi đối với môi trường mà cần phải đổi mới, áp dụng tư duy hệ thống trong phát triển và tăng trưởng. Như vậy, tăng trưởng xanh là phải cân bằng cả hai yếu tố kinh tế và môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục