CPMB tiếp tục triển khai các dự án truyền tải quan trọng

15:12' - 17/01/2022
BNEWS Năm 2022, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) đặt mục tiêu khởi công 11 dự án và đóng điện 20 dự án với tổng vốn đầu tư 5.064,6 tỷ đồng.

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể được kiểm soát tốt hơn khi độ phủ của vaccine rộng hơn, phát huy những kết quả đã đạt được trong quản lý, đồng thời tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới và có các giải pháp tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quản lý điều hành các dự án, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) đặt mục tiêu khởi công 11 dự án và đóng điện 20 dự án với tổng vốn đầu tư 5.064,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết, CPMB sẽ tiếp tục quản lý, điều hành các dự lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 gồm: Trạm biến áp (TBA) 500kV Vân Phong và đấu nối, Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân và Đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Đây là các dự án lưới điện được đánh giá là “Dự án lưới điện truyền tải quan trọng nhất giai đoạn 2021 - 2022” và đảm hoàn thành đúng tiến độ trong tháng 12/2022.

 

Theo ông Tuyển, TBA 500kV Vân Phong và đấu nối là công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho phụ tải khu vực tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Dự án không chỉ giải tỏa công suất của Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 và công suất của các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên mà còn góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, tăng cường ổn định hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia. 

Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân cũng là công trình cấp bách nhằm giải phóng công suất của Trung tâm Điện lực Vân Phong; trong đó có Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện Quốc gia.

Đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân có mục tiêu chính là truyền  tải  công  suất Trung tâm Điện lực Vân Phong, nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái và các nguồn năng lượng  tái  tạo  khu vực  tỉnh  Ninh  Thuận,  Bình  Thuận và  Khánh  Hòa  vào  hệ thống điện  Quốc  gia,  góp phần đảm  bảo  cung ứng điện  cho  miền  Nam  an  toàn  và  tin  cậy.

Đồng thời tạo  mối  liên  kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam, tối ưu hóa sản xuất –truyền tải điện trong vận hành hệ thống điện Quốc gia.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Tuyển, các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đang được CPMB triển khai gặp nhiều khó khăn do dự án có quy mô lớn, địa hình khó khăn, phức tạp.

Các dự án triển khai trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị đầu tư, đo đạc giải thửa, lựa chọn nhà thầu; trong đó, giá cả nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến giá chào thầu vượt dự toán gói thầu, phải tổ chức đấu thầu nhiều lần.

Đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng và triển khai thi công. 

Mặc dù vậy trong quá trình triển khai, các dự án nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, các bộ, ban, ngành, các cấp lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), sự ủng hộ và giúp đỡ của chính quyền địa phương các cấp có dự án đi qua thuộc các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận và sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các đơn vị bạn đã giúp CPMB giải quyết kịp thời các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án. 

Bên cạnh đó, CPMB đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, yêu cầu các đơn vị thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát… phát huy nhân lực, vật lực.

Đồng thời nêu cao tinh thần tự giác trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan và đã ký cam kết tiến độ thực hiện 365 ngày đêm (25/12/2021-25/12/2022), kể cả tổ chức thi công xuyên Tết Nguyên đán 2022 nhằm hoàn thành các dự án vào cuối tháng 12/2022.

Để đáp ứng yêu cầu tiến độ các dự án trong bối cảnh trên, nhất là tháo gỡ các khó khăn trong giải phóng mặt bằng, được đánh giá quyết định tới việc đảm bảo tiến độ của các dự án truyền tải, ông Tuyển cho rằng CPMB tiếp tục phát huy các mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi có dự án đi qua, tận dụng tối đa sự chỉ đạo, hỗ trợ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương với bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng.

Đáng chú ý, CPMB ưu tiên và bố trí đầy đủ nhân lực có năng lực, chất lượng để trực tiếp tham gia thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm và cấp bách này.

Đồng thời lập và chuẩn bị kế hoạch, tiến độ chi tiết cho các công việc từ quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất cho dự án, công tác đo vẽ, kiểm đếm, thẩm duyệt các hồ sơ về bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng trình tự pháp lý, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng thi công đồng bộ và thống nhất với kế hoạch và tiến độ thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị của dự án.

Theo ông Lê Minh Hiếu, Trưởng phòng Đền bù (CPMB), việc đo đạc giải thửa, kiểm kê, xây dựng khung chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được CPMB thực hiện sớm và được kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện và khắc phục ngay các rủi ro, tồn tại (nếu có). 

“Chúng tôi cũng chủ động nghiên cứu, triển khai các thủ tục liên quan về bồi thường giải phóng mặt bằng ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt để đảm bảo có đủ thời gian cho công tác này nhằm sớm có mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng ngay sau khi ký hợp đồng xây dựng”, ông Lê Minh Hiếu cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, CPMB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương từ cấp huyện, cấp xã để đảm bảo tính chính xác của các đối tượng được bồi thường, hỗ trợ theo đúng các qui định hiện hành của Nhà nước, đặc biệt là việc xác minh nguồn gốc đất, thời điểm xây dựng nhà phải chính xác, minh bạch để tránh khiếu kiện kéo dài gây khó khăn cho bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Đối với công việc lập phương án bồi thường, ngay từ ban đầu cần phải tính đúng, tính đủ đảm bảo quyền lợi hài hòa của các bên, tránh xảy ra khiếu kiện phải kiểm tra lại nhiều lần. Trong mỗi đợt, phải thực hiện dứt điểm từng vị trí móng cột, từng khoảng cột, từng địa phương”, ông Tuyển nhấn mạnh.  

Ông Tuyển cũng cho rằng, đối với các dự án trọng điểm, cấp bách, CPMB có văn bản báo cáo và đăng ký làm việc hàng tháng với lãnh đạo các tỉnh/thành phố liên quan để báo cáo, thông báo, trao đổi, phối hợp và đề nghị hỗ trợ giải quyết các vướng mắc về tình hình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Chúng tôi cùng thường xuyên báo cáo EVNNPT kịp thời những vướng mắc khó khăn để có sự chỉ đạo và hỗ trợ làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố. Một số trường hợp đặc biệt, báo cáo EVNNPT để Tổng Công ty báo cáo, đề xuất EVN các vướng mắc để Tập đoàn đăng ký làm việc, báo cáo với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, Chính phủ có văn bản/công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Chủ đầu tư trong việc thực hiện và giải quyết các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ của các dự án”, Giám đốc CPMB cho hay.

Ngoài ra, CPMB còn thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt có phương pháp quản lý cán bộ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, kỷ cương, kỷ luật và chính sách pháp luật trong quá trình làm việc với chính quyền, Hội đồng bồi thường và tiếp xúc với hộ dân/tổ chức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục