Cuộc chiến chip "trưởng thành" toàn cầu sẽ bùng nổ trong năm 2024?

05:30' - 07/02/2024
BNEWS Dẫn đầu trong chế tạo và sản xuất sản phẩm bán dẫn hiện nay là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, song sản xuất chip lại tập trung tại Trung Quốc.

Quỹ Roscongress, đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư quốc tế hàng đầu tại Nga, mới đây đã xuất bản báo cáo “Cuộc chiến chip 2.0: Giai đoạn đối đầu mới giữa Trung Quốc và Mỹ”, trong đó dự báo các hạn chế của Mỹ không cho Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiến tiến trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn sẽ dẫn đến cuộc chiến giá cả gay gắt trên thị trường này.

Tác giả bản báo cáo cho biết hiện nay các loại chip hiện đại nhất (8nm và nhỏ hơn), sử dụng cho điện thoại thông minh, siêu máy tính và các trung tâm xử lý dữ liệu, được sản xuất chủ yếu tại Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. 

Trong khi đó, công nghệ của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này bị lạc hậu khoảng 10 năm. Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang tăng mạnh sản xuất chip “trưởng thành”. Chip "trưởng thành" là những chip được sản xuất trên các quy trình công nghệ đã được phát triển và hoàn thiện trong nhiều năm. Loại chip này sử dụng công nghệ cũ của 10-20 năm trước, song vẫn được sử dụng rộng rãi cho nhiều loại hàng hóa tiêu dùng và quân sự. 

Cuối năm 2022, Mỹ đã áp đặt hàng loạt hạn chế và quy định, theo đó các công ty và pháp nhân Mỹ phải có giấy phép đặc biệt mới được xuất khẩu chip hiện đại và thiết bị cho các công ty Trung Quốc. 

Quy định sản phẩm nước ngoài trực tiếp của Mỹ (FDPR) cũng hạn chế các công ty nước ngoài bán hàng hóa được sản xuất từ các linh kiện hoặc sử dụng phần mềm hoặc tài sản trí tuệ của Mỹ cho đối tác Trung Quốc. Hạn chế này ảnh hưởng đến 95% nhà sản xuất chip Trung Quốc.  

Tháng 3/2023, Bộ Thương mại Mỹ xếp ngành bán dẫn vào lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia, qua đó thiết lập sự kiểm soát ngặt nghèo việc tuân thủ Đạo luật CHIPS và Khoa học. 

Chip sử dụng trong công nghiệp quân sự - thành tố của ngành này - là lĩnh vực mà Trung Quốc chú trọng trong những năm gần đây. Từ thời điểm đó, các công ty không được tăng quá 5% sản lượng chip tiên tiến và 10% chip công nghệ kém hơn tại các nhà máy đặt tại Trung Quốc. Lệnh hạn chế này có hiệu lực 10 năm.  

Theo các tác giả báo cáo, các hạn chế trên không thể cản bước các nhà sản xuất của Trung Quốc. Với thiết bị Hà Lan và Nhật Bản các nhà máy sản xuất bán dẫn của Trung Quốc đã thành công trong việc cạnh tranh với các công ty Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ.

Thành viên hội đồng giám đốc công ty vi điện tử lớn nhất ở Trung Quốc SMIC Tudor Brown từng chỉ ra rằng việc siết chặt xuất khẩu trong dài hạn chỉ càng tăng nhanh tốc độ phát triển ngành này tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó có thể dẫn đến những thay đổi lớn trên thị trường. Và giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến về giá đã bắt đầu từ cuối năm 2023 khi các nhà sản xuất vi mạch Đài Loan đã hủy đơn hàng tại Samsung, GlobalFoundries, UMC и PSMC và chuyển cho các nhà máy Trung Quốc, nơi chào mời họ với giá rẻ hơn.

Và giờ đây các chuyên gia đánh giá chip “trưởng thành” của Trung Quốc sẽ là đích ngắm mới của các án phạt từ Mỹ. Báo cáo trên nêu rõ: “Năm 2024 sẽ là năm các chính trị gia Mỹ theo dõi sát sao công nghệ ở các sản phẩm điện tử được sản xuất với các chip trưởng thành (từ 28nm)”.

Dẫn đầu trong chế tạo và sản xuất sản phẩm bán dẫn hiện nay là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, song sản xuất chip lại tập trung tại Trung Quốc. Các nhà sản xuất chip của Trung Quốc, bao gồm Đài Loan, chiếm gần 60% thị phần sản xuất. Tại các nước Đông Nam Á tập trung hơn 70% nhà máy sản xuất chip. Còn trong lắp ráp và thử nghiệm sản phẩm cuối cùng thì Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chiếm hơn 80%.

Theo các nhà phân tích tới đây thị trường điện tử thế giới có thể phải đối mặt với giảm tốc phát triển công nghệ, tăng giá và có thể là tình trạng khan hiếm sản phẩm Trung Quốc.

Tuy nhiên, các án phạt cũng có thể tạo ra "cú hích" để các nước phát triển công nghệ và thiết bị riêng và tăng đầu tư cho sản xuất trong nước. Ví dụ Liên minh châu Âu (EU) dự định sẽ đầu tư 43 tỷ euro trong hai năm tới đây cho sản xuất chip, trong đó 33 tỷ euro là khoản góp của Intel, số còn lại là của STMicroelectronics và Infineon.

Đối với Nga, các công ty nước này đã dùng các biện pháp hợp tác trong ngành và sử dụng sản phẩm nhập khẩu song song để giảm tác động tiêu cực của các hạn chế áp đặt./.   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục