Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Thế kẹt của Australia

06:01' - 29/11/2018
BNEWS Ngày 19/11, Bắc Kinh thông báo sẽ điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lúa mạch xuất khẩu, trị giá tới 1,8 tỷ AUD (khoảng 1,29 tỷ USD), của Australia xuất khẩu Trung Quốc.
Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần báo Sydney Morning Herald của Australia cho rằng Trung Quốc đã gửi đi cảnh báo thương mại rõ ràng tới Australia, sau khi Hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc kết quả là căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng trở nên sâu sắc hơn.

Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2018, sau khi có thông tin Mỹ sẽ giúp Australia tái phát triển một căn cứ hải quân chiến lược, đóng tại đảo Manus và một cam kết đầy tham vọng của hai quốc gia, cùng với Nhật Bản và New Zealand, để phát triển một mạng lưới điện quy mô lớn tại Papua New Guinea (PNG). Cả hai động thái được xem như một phần của chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

Kế hoạch điều tra mặt hàng lúa mạch của Australia từ phía Trung Quốc dựa trên khiếu nại của Ủy ban thương mại quốc tế Trung Quốc vào tháng trước, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC. Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham bác bỏ ý kiến cho rằng đó là sự trả đũa của Trung Quốc. “Không có gì bất thường khi các quốc gia điều tra cáo buộc bán phá giá, do các doanh nghiêp địa phương hoặc các nhóm ngành công nghiệp khiếu nại”, ông Birmingham nói.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lập luận rằng động thái này là hành động đáp lại việc Bộ Thương mại Trung Quốc lựa chọn thời điểm chấp thuận đơn khiếu nại Australia. Rogers Pay, một nhà phân tích tại Trung tâm Tư vấn chính sách Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với hãng truyền thông Reuters rằng “hơi kỳ lạ khi chọn thời điểm này” để khởi động cuộc điều tra.

Hầu hết các nhà quan sát và những người trong cuộc đều cho rằng Australia và Mỹ hiện đang ở trong một cuộc chạy đua toàn diện với Trung Quốc về ảnh hưởng chiến lược đối với khu vực lân cận của Australia tại Thái Bình Dương. APEC 2018 đã kết thúc mà không có được sự đồng thuận chung giữa các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương – do sự bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trả lời giới truyền thông, Thủ tướng Australa Scott Morrison thừa nhận các thành viên trong hiệp hội đã tỏ ra thất vọng với sự bướng bỉnh của hai quốc gia quyền lực lớn nhất. Tuy nhiên, ông Morrison nhấn mạnh các quốc gia đôi khi bất đồng ý kiến và cuộc tranh luận sẽ được tiếp tục.

Như vậy, khả năng Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), được tổ chức tại Argentina vào cuối tháng này, sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến thương mại đang hình thành.

Trước đó, Thủ tướng Australia nhận định tranh chấp thương mại cần phải được giải quyết thông qua các luật lệ quốc tế hơn là áp dụng chiến lược thuế quan “trả đũa”. Nhưng ông Morrison thừa nhận ý tưởng xóa bỏ công nhận Trung Quốc là nền kinh tế đang phát triển trong WTO - điều mà Washington đã từng nhắc tới tại một vài báo cáo nhưng Bắc Kinh kiên quyết chống đối, là một câu hỏi “phức tạp” do phần lớn dân số Trung Quốc hiện vẫn đang sống trong tình trạng khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục