Cuộc khủng hoảng nợ mới tại châu Phi

06:00' - 05/11/2018
BNEWS Trang mạng mg.co.za (Mail&Guardian) có bài phân tích đánh giá về cuộc khủng hoảng nợ mới tại châu Phi.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, Ghana là điểm sáng tích cực bởi chính phủ nước này được chuyển giao một cách hòa bình, hoạt động dân chủ và ngày càng mong muốn không phải tiếp tục nhận viện trợ phát triển.  

Tuy nhiên, Ghana vẫn còn tương đối phụ thuộc vào nước ngoài bởi chính “điển hình” này cũng đang đối mặt với thách thức lớn.

Cuối năm 2017, nợ công của Ghana tương đương 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Tây Phi này. Theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công của các nước đang phát triển không nên vượt quá 40% GDP của nước đó. IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đặc biệt quan ngại rằng tình hình ở Ghana báo hiệu một xu hướng nguy hiểm tại châu Phi. 

Giám đốc quốc gia của WB tại Đức, ông Jürgen Zattler, đánh giá: “Hiện tại, tình hình nợ công có vẻ không tốt. Trong 15 năm qua, sau đợt giảm nợ và phát triển kinh tế khá tích cực, nợ đã tăng trở lại”.

Đánh giá của nhóm vận động hành lang của Vương quốc Anh Jubilee Debt Campaign cho thấy năm 2017, nợ nước ngoài của châu Phi ở mức cao nhất kể từ năm 2001. Theo thống kê của WB, 18 quốc gia châu Phi đang trải qua một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng hoặc đang trên bờ vực rơi vào tình trạng này.

Nhà phân tích Tirivangani Mutazu của Diễn đàn và mạng lưới châu Phi về nợ và phát triển (AFRODAD) đánh giá rằng sự biến động hoặc sự sụt giảm của giá cả hàng hóa trong 2-3 năm qua đã thực sự ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của một số nước châu Phi, dẫn đến thâm hụt ngân sách rất lớn. Vì vậy chính phủ một số nước đã cố gắng khỏa lấp “khoảng trống ngân sách” này thông qua vay nợ, đặc biệt từ các lĩnh vực thương mại.

Ngoài ra, châu Phi đang rất cần hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng, bởi không có cơ sở hạ tầng, sẽ không có sự phát triển và không cung cấp đủ việc làm cho hàng triệu lao động trẻ. Theo Viện Nghiên cứu quốc tế Nam Phi (SAIIA), châu Phi hiện thiếu hụt 93 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy chính phủ nhiều nước phải đi vay nợ. 

Trường hợp của Kenya là ví dụ điển hình. Năm 2017, tuyến đường sắt mới nối cảng Mombasa và thủ đô Nairobi đã bắt đầu hoạt động. Trung Quốc là nhà tài trợ tín dụng đối với dự án đường sắt trị giá 4 tỷ USD này – dự án lớn nhất của Kenya kể từ khi độc lập.

Một vài năm qua, nguồn tài chính tương đối thuận lợi từ nhiều nước đã đổ vào châu Phi. Ngoài các nhà tài trợ thường xuyên như các nước phương Tây hay IMF, nhiều đối tác mới đã liên tục mời gọi "lục địa Đen". Do lãi suất thấp kỷ lục trong lịch sử châu Âu, các nhà đầu tư tư nhân háo hức tìm kiếm các cơ hội mới và đã phát hiện châu Phi – một điểm đến hấp dẫn.

Giám đốc quốc gia của WB tại Đức Jürgen Zattler đánh giá rằng sau thời gian phát triển tích cực và có thể chuyển sang thị trường vốn, một số quốc gia đã bắt đầu cho vay tín dụng, một phần trong đó với lãi suất rất cao. 

Trung Quốc cũng đã tham gia vào xu thế này với 14% tổng nợ của châu Phi đến từ Bắc Kinh – giúp cường quốc châu Á bảo đảm ảnh hưởng và khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của châu Phi thông qua các khoản vay “ít ràng buộc”.

Do đó, việc chống lại cuộc khủng hoảng hiện tại trở nên khó khăn gấp bội. Theo Giám đốc Zattler, trước đây các chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris có thể nhóm họp các thành viên để thảo luận cứu trợ cho những nước đi vay. Tình hình đó đã thay đổi với sự tham gia của các chủ nợ tư nhân hay những chủ nợ mới như Trung Quốc, Saudi Arabia.

Trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay, các thể chế tín dụng lâu đời như IMF một lần nữa được các quốc gia, trong đó có Ghana, tìm đến xin cứu trợ. Thời kỳ đỉnh nợ của châu Phi vào những năm 1990, IMF và WB đã buộc các nước đi vay phải thực hiện những chương trình cải cách cơ cấu bao gồm quyết liệt tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, giảm chi tiêu công. Ngay cả các chương trình xã hội, trong đó có đào tạo hoặc y tế, cũng bị cắt giảm chi phí, khiến những người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất.

IMF nhấn mạnh rằng thể chế tài chính quốc tế này sẽ áp dụng cách tiếp cận khác trước để giải quyết khủng hoảng nợ mới hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia như Tirivangani Mutazu vẫn tỏ ra quan ngại khi cho rằng mặc dù IMF đã lắng nghe kiến nghị từ các nước cần được cứu trợ, nhưng IMF vẫn sẽ yêu cầu những nước này thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và không ít các biện pháp đã được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng nợ những năm 1980. Một khi tìm đến IMF, các nước cần cứu trợ khó có khả năng thoát khỏi những điều kiện đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục