Cựu Bộ trưởng Larry Summers: Mỹ đang bên bờ vực của lạm phát kèm suy thoái

16:29' - 22/03/2022
BNEWS Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cảnh báo Chính phủ Mỹ và Fed cần hành động ngay do nước này đang bên bờ vực của “lạm phát kèm suy thoái” -

 

Trong bài viết đăng mới đây trên trang mạng The Time, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cảnh báo nước Mỹ đang bên bờ vực của “lạm phát kèm suy thoái” - xảy ra khi nền kinh tế trải qua cả tình trạng đình trệ kinh tế, sản lượng đi ngang hoặc giảm và lạm phát lên cao.

Để giải quyết tình trạng này, ông khuyến nghị Chính phủ Mỹ và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhanh chóng hành động để kiềm chế lạm phát.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ông Summers cho rằng FED đã lặp lại những sai lầm chính sách trong giai đoạn 1960-1970 khi tuyên bố rằng lạm phát chỉ là tạm thời và chỉ xảy ra trong một vài lĩnh vực, ngay cả khi tình trạng thiếu lao động trở nên nghiêm trọng và phổ biến chưa từng có.

Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao, ông dự báo lạm phát của Mỹ có thể sẽ tiếp tục leo thang trong ít nhất một vài tháng tới, khi mức tăng giá cả hàng hóa tác động tới toàn bộ hệ thống. Theo ông, lạm phát sau đó có thể giảm nhưng không thể về gần mức mục tiêu 2% mà FED đề ra.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng, để nền kinh tế "hạ cánh an toàn", Chính phủ Mỹ và FED cần thẳng thắn nhìn nhận rằng nhu cầu hiện tại của nền kinh tế là không bền vững và tình trạng này không phải là mới.

Theo ông, nước Mỹ cũng cần thắt chặt nguồn cung ứng tiền tệ vì càng cho phép lưu hành tiền quá mức trên cả thị trường tài chính và nền kinh tế thực thì tác động càng nghiêm trọng.

Cũng theo ông Summers, Chính phủ Mỹ cần có một chương trình nghị sự mang tính xây dựng hơn, tập trung vào việc giảm chi phí vì lợi ích của người tiêu dùng bằng cách để thị trường vận hành tự do.

Ông khuyến nghị một số giải pháp như giảm chi phí vận chuyển bằng cách bãi bỏ Đạo luật Jones (ban hành năm 1920, cấm các tàu mang cờ nước ngoài vận chuyển hàng hóa giữa các cảng của Mỹ), dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu gỗ của Canada ở thời điểm giá nhà ở tăng vọt...

Ông cũng cho rằng việc giảm thuế trực tiếp giúp giảm giá cho người tiêu dùng và nâng tính cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu bằng cách giảm chi phí đầu vào của họ. Về phía FED, tác giả bài viết cho rằng các quyết định của ngân hàng này nhằm tăng lãi suất và từng bước kết thúc chương trình nới lỏng định lượng là đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ.

Tuy nhiên, ông Summers thừa nhận một số vấn đề chính sách là khó khắc phục và nước Mỹ không có đủ công cụ để giải quyết. Mặc dù vậy, ông cho rằng nước Mỹ biết phải làm gì để giảm lạm phát và nếu càng trì hoãn hành động, việc khôi phục giá cả trở về mức phù hợp sẽ trở nên càng khó khăn hơn.

Lần cuối cùng tình trạng lạm phát kèm suy thoái xảy ra ở Mỹ là vào những năm 1970, thời kỳ cũng chứng kiến giá năng lượng tăng chóng mặt. Do lệnh cấm vận của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với một số quốc gia, giá dầu thô đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1973-1975.

Các quốc gia nhập khẩu nhiều dầu như Mỹ đã trải qua thời kỳ lạm phát cao và suy thoái kinh tế diễn ra đồng thời. Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ trong giai đoạn đó lần đầu tiên vượt quá ngưỡng 10% kể từ những năm 1940, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,6% hồi năm 1973 lên 9% vào năm 1975 trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lao dốc./.
     

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục