Đã đến lúc các công ty Singapore cần tái cơ cấu

05:30' - 21/10/2020
BNEWS Giống như nhiều nước khác, Singapore đã thực hiện các gói hỗ trợ khác nhau để giúp đỡ các hộ gia đình và các doanh nghiệp tồn tại qua giai đoạn vô cùng khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.


Bài phân tích trên báo The Business Times (Singapore) số ra ngày 15/10 nhận định, ngay cả khi Singapore sẵn sàng mở cửa hơn nữa nền kinh tế nước này theo kế hoạch giai đoạn ba, mọi thứ sẽ không thể quay trở lại mức trước khi dịch viêm đường hô hấp COVID-19 xảy ra. Để trở lại được trạng thái như cũ sẽ cần nhiều thời gian.

Giống như nhiều nước khác, Singapore đã thực hiện các gói hỗ trợ khác nhau để giúp đỡ các hộ gia đình và các doanh nghiệp tồn tại qua giai đoạn vô cùng khó khăn này.

Chính phủ nước này đã chi khoảng 100 tỷ SGD dưới hình thức các biện pháp cứu trợ nhằm giảm bớt tác động của đại dịch đối với các doanh nghiệp và góp phần cứu công ăn việc làm.

Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng đã ban hành các luật mới liên quan đến vấn đề trả nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp, tạm thời bảo vệ các doanh nghiệp khỏi tiến trình kiện tụng pháp lý bởi bên thứ ba, đem lại cho họ cơ hội phục hồi về mặt tài chính.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn và có nguy cơ phá sản vì các khoản nợ của công ty có thể đe dọa không chỉ sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn làm “chệch bánh” sự phục hồi kinh tế rộng hơn.

Theo ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương), 20% nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với “vết khoét sâu” của đại dịch COVID-19, trong đó ngành hàng không và du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do những hạn chế về đi lại.

Với kịch bản ngành hàng không toàn cầu không có khả năng phục hồi về mức trước dịch bệnh cho đến sớm nhất là nửa cuối năm 2022, Singapore với tư cách là một trung tâm hàng không sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, và đối tượng chịu tác động trực tiếp là hãng vận tải hàng không quốc gia Singapore Airlines.

Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Singapore được dự báo phải hứng chịu mức độ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi “đảo quốc sư tử” giành độc lập với con số ước tính chính thức được Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này đưa ra là từ -5% đến -7% trong năm 2020.

Trong khi các biện pháp cứu trợ và kích thích kinh tế trị giá khoảng 100 tỷ SGD đã được đưa ra như một chiếc phao cứu sinh cho các doanh nghiệp và góp phần cứu công ăn việc làm, Chính phủ Singapore cũng nhận thức rõ những nguy cơ của việc cứu trợ kéo dài, và sự cần thiết phải thu hẹp dần lại, đồng thời phải xử lý việc ngừng cứu trợ sao cho không quá đột ngột.

Cho đến nay, Singapore chưa phải đối mặt với mức độ đầy đủ của cuộc khủng hoảng, với nhiều khoản nợ xấu và các vụ phá sản được cho là có khả năng xảy ra vào cuối năm.

Các biện pháp hỗ trợ và cứu trợ chỉ là giải pháp tạm thời. Sự hỗ trợ của chính phủ dưới hình thức hoãn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác cuối cùng sẽ kết thúc.

Các doanh nghiệp Singapore sẽ phải đương đầu với thực tế mới, hậu COVID-19. Việc tính toán lại các chiến lược kinh doanh là điều hợp lý. Một số công ty đã bắt đầu tiến hành chuyển đổi.

Đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ để lại cho một số công ty những gánh nặng nợ nần thậm chí còn lớn hơn. Những gánh nặng này sẽ trì hoãn sự phục hồi.

Các công ty gặp khó khăn có xu hướng bán tài sản, giảm đầu tư và tuyển dụng, và thu hẹp sản xuất kinh doanh. Họ không thể huy động được nguồn vốn mới. Điều này đã và đang xảy ra ở một số lĩnh vực.

Ngoài ra, các ngân hàng bị mắc kẹt với những khoản cho vay kém hiệu quả có thể hạn chế việc cung cấp vốn. Nếu một công ty bị ảnh hưởng, khách hàng, nhà cung cấp và nhân viên của công ty đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tất cả điều này có thể biến một cú sốc kinh tế tạm thời thành một sự suy thoái kinh tế dài hạn.

Một bài học chính sách được rút ra từ các cuộc khủng hoảng tài chính lớn trong thế giới phát triển, bắt đầu với Nhật Bản vào đầu những năm 1990, là những ảnh hưởng của các khoản nợ "dai dẳng" của công ty, thậm chí còn có thể khiến nhiều doanh nghiệp phá sản.

Bản chất tạm thời của các biện pháp cứu trợ hiện nay có nghĩa là các công ty trong nhiều ngành, đặc biệt là những ngành bị tác động bởi nhu cầu giảm sút về đi lại, du lịch, nghỉ dưỡng và tài sản thương mại, vẫn dễ bị tổn thương trước tác động dài hạn của cuộc khủng hoảng dịch bệnh này.

Để giảm bớt căng thẳng về nợ nần, các công ty Singapore cần phải bắt đầu lập ra các kế hoạch cho việc trả nợ trong tương lai và tiến hành tái cơ cấu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục