Đà Nẵng chính thức thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 28/7

00:15' - 28/07/2020
BNEWS Bắt đầu từ 0h ngày 28/7, thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Giãn cách xã hội tại 6 quận và 3 bệnh viện

Căn cứ diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7/2020, tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu.

Cụ thể, các khu dân cư cộng đồng, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định; mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Tạm dừng các hoạt động vận tải gồm: Hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; các hoạt động kinh doanh vận tải khách xe Taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện thí điểm và vận tải thủy nội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; toàn bộ hoạt động xe buýt nội thành trên địa bàn thành phố và các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề; các hoạt động kinh doanh vận tải khách thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất. Chỉ cho phép mở cửa các loại hình: Khám chữa bệnh; bán thuốc và vật tư y tế; chất đốt; ngân hàng; bưu chính viễn thông; công chứng; cấp điện, cấp nước; hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Về cung cấp thức ăn chế biến sẵn cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, các bếp ăn tập thể hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công tác phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm; các cửa hàng ăn uống chỉ được bán qua mạng hoặc bán mang đi, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và phong tỏa khu vực các tuyến đường: Quang Trung (từ nút giao Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung tới nút Đống Đa - Quang Trung); đường Hải Phòng (từ nút giao Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Hải Phòng - Ông Ích Khiêm); đoạn đường Ông Ích Khiêm (nút Ông Ích Khiêm - Hải Phòng đến nút Ông Ích Khiêm - Đống Đa) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ nút giao Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Nguyễn Thị Minh Khai – Hải Phòng). Thời gian bắt đầu thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7 cho đến khi có thông báo mới.

Riêng tại địa bàn huyện Hòa Vang thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và Công văn số 4869/UBND-SYT ngày 25/7/2020 của Chủ tịch UBND thành phố về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Y tế phối hợp các đơn vị chức năng, thực hiện giám sát, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm, áp dụng biện pháp cách ly hoặc can thiệp y tế phù hợp đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19, các trường hợp liên quan và các trường hợp nguy cơ cao; thực hiện rà soát, xét nghiệm diện rộng bằng các phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng; sẵn sàng các điều kiện để thực hiện Kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương tuyên truyền, vận động và có biện pháp bố trí để tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân nhẹ âm tính với COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng; thực hiện ngay việc bố trí thiết bị, nhân lực để phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 và liên hệ Bệnh viện Trung ương Huế và các cơ sở xét nghiệm đủ thẩm quyền khác để đề nghị hỗ trợ công tác xét nghiệm COVID-19; phối hợp với Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng lập danh sách bệnh nhân đã xuất viện; người nhà của các bệnh nhân đã xuất viện, tử vong từ ngày 12/7 đến, đi gửi về địa phương để theo dõi y tế đúng quy định…

Dừng toàn bộ các chuyến bay chở khách đi/đến Đà Nẵng

Công văn do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn ký gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam nêu rõ trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ 00 phút ngày 28/7/2020, dừng toàn bộ các chuyến bay chở khách trên các đường bay nội địa đi/đến thành phố Đà Nẵng. 

Ưu tiên tăng chuyến để giải tỏa hành khách du lịch từ thành phố Đà Nẵng đi về các địa phương khác trước 00 giờ 00 phút ngày 28/7/2020. Các chuyến bay nội địa chở khách không đi/đến thành phố Đà Nẵng thực hiện bình thường.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, sẽ không hạn chế khai thác đối với các chuyến bay không vận chuyển hành khách.

Đối với lĩnh vực đường bộ, cũng trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ 00 phút ngày 28/7/2020, dừng toàn bộ các hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt đi/đến và trong thành phố Đà Nẵng, trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly; xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp; xe phục vụ phòng chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết; xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt có hành trình đi qua thành phố Đà Nẵng thì không được dừng, đỗ lại thành phố Đà Nẵng để đón, trả khách. Các hoạt động vận chuyển không qua thành phố Đà Nẵng thực hiện bình thường.

Với lĩnh vực đường sắt, tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách xuất phát và kết thúc tại ga Đà Nẵng.

Tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh khai thác bình thường nhưng không được đón, trả khách tại ga Đà Nẵng.

Riêng các tàu khách SE5/SE6, SE9/SE10, SE27/SE28 đã xuất phát tại ga Hà Nội, ga Sài Gòn trước 0 giờ ngày 28/7/2020 có hành trình qua ga Đà Nẵng được dừng đỗ để trả khách tại ga.

Thừa Thiên-Huế tạm ngưng các tuyến vận tải hành khách đi Đà Nẵng và ngược lại

Tối 27/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế có văn bản hỏa tốc gửi các địa phương, sở, ngành trong tỉnh về tăng cường giám sát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu thực hiện khai báo y tế đối với tất cả những người sinh sống, lao động, học tập, công tác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã từng đến thành phố Đà Nẵng từ ngày 10/7/2020. Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế căn cứ vào khai báo y tế của người dân để phân loại các trường hợp, tiến hành những biện pháp cách ly, xét nghiệm phù hợp.

Công dân đến từ thành phố Đà Nẵng muốn vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế phải thực hiện khai báo y tế trước tại địa chỉ http://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/kbyt và được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi đến, hoặc tiến hành khai báo tại các chốt kiểm soát lưu động; không được tham gia các sự kiện đông người.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tạm ngưng các tuyến vận tải hành khách đi Đà Nẵng và ngược lại từ 0 giờ ngày 28/7; tăng cường xử phạt, chấm dứt các xe hoạt động vận tải hành khách trái phép tuyến Huế- Đà Nẵng; giao cho Sở Giao thông vận tải tỉnh đề xuất một số chuyến/ngày phục vụ nhu cầu bức thiết đi lại của người dân giữa hai địa phương.

Những người đi, đến Đà Nẵng từ ngày 1/7 trở lại đây phải thực hiện khai báo y tế

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân tích, giải trình tự gen virus SARS-CoV-2 trên mẫu bệnh phẩm các bệnh nhân mắc mới.

Kết quả cho thấy, virus SAR-CoV-2 đã biến đổi gen, tăng khả năng bám dính vào cơ thể cũng như khả năng lây nhiễm trên chủ thể, làm lây lan nhanh hơn nhưng chưa ghi nhận biến đổi liên quan đến độc lực.

Nhấn mạnh trước đó, Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SAR-CoV-2, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Chủng virus SARS-CoV-2 này mới so với các chủng trước đây đã phát hiện, lưu hành tại Việt Nam. Hiện chưa rõ nguồn lây chính xác nhưng nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào từ đầu tháng 7".

Bộ Y tế khuyến nghị, những người đi, đến Đà Nẵng từ ngày 1/7 trở lại đây phải thực hiện khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và các cơ quan y tế để theo dõi sức khỏe.

Bản tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tối 27/7 cho biết đã có thêm 11 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 24-70, trong đó có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các Khoa (Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận- Nội tiết) và 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Như vậy, tính đến 18h ngày 27/7, Việt Nam có tổng cộng 431 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

>>>TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm người về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục