Đà phục hồi mạnh của kinh tế Mỹ trong mùa Hè có thể đang yếu đi

12:24' - 29/10/2020
BNEWS Theo báo cáo công bố ngày 28/10 của Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế nước này dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 30-35% trong quý III/2020, sau khi giảm kỷ lục 31,4% trong quý II/2020. 

Tuy nhiên, sự phục hồi này có thể sẽ không kéo dài. Các nhà kinh tế cảnh báo đà phục hồi trong quý III chủ yếu nhờ chi tiêu tiêu dùng được hỗ trợ từ gói hỗ trợ 3.000 tỷ USD của chính phủ, với phần lớn các chương trình đã hết hạn. 

Và sự phục hồi này là không đủ mạnh để bù lại những thiệt hại và đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới về mức trước đại dịch hoặc duy trì được tốc độ tăng trưởng đạt được trước đó

Nhà kinh tế Diane Swonk của Grant Thornton cho rằng đà phục hồi vừa qua của kinh tế Mỹ là không đủ để bù lại thiệt hại và triển vọng quý IV đang xấu đi từng ngày. 

Cựu Giám đốc bộ phận kinh tế trong nước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), David Wilcox, cho rằng tốc độ tăng trưởng cần đạt 53% để đưa GDP về mức cuối 2019 và 64% để GDP có thể quay lại mức trung bình.

Theo ông Wilcox, điều tồi tệ hơn là, động lực tăng trưởng đã yếu đi. Nền kinh tế phục hồi trong tháng Năm và tháng Sáu nhưng tốc độ phục hồi đã chậm lại đáng kể trong vài tháng qua, với các hoạt động kinh tế tăng nhẹ hoặc không tăng trong tháng Chín.

Nhà kinh tế Nancy Vanden Houten tại Oxford Economics cho rằng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại và hoạt động kinh tế dự kiến sẽ yếu đi đáng kể trong quý IV và sau đó.

Kể từ tháng Tám, triển vọng của kinh tế Mỹ đã xấu đi khi tốc độ tuyển dụng lao động chậm lại. Người tiêu dùng có thể sẽ chi tiêu thận trọng trong mùa Đông. Và nếu số ca mắc COVID gia tăng khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa hay các hạn chế được thực hiện, nền kinh tế sẽ khó duy trì đà phục hồi mạnh.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý IV từ 6% xuống 3%.

Với hàng triệu lao động vẫn thất nghiệp và số ca mắc COVID-19 gia tăng, gây lo ngại về khả năng tái thực hiện các lệnh phong tỏa tại Mỹ, các nhà hoạch định chính sách nước này vẫn chưa nhất trí được về gói cứu trợ mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Tổng số người thất nghiệp tại Mỹ trong những tuần đầu bùng phát dịch là 20 triệu người và chỉ một nửa trong số này đã có việc làm trở lại, trong khi các doanh nghiệp lớn thông báo sa thải hàng nghìn lao động trong những tuần gần đây, trong đó có khoảng 7.000 lao động bị cắt giảm bổ sung theo thông báo ngày 28/10 của Boeing.

Fed và các thiết chế khác đang gia tăng những kêu gọi về đợt hỗ trợ mới của chính phủ cho người dân và các chính quyền bang cũng như địa phương nhằm ngăn chặn một làn song thất nghiệp và đóng cửa doanh nghiệp mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục