Đảm bảo chất lượng nước mắm sau sự cố môi trường biển

09:08' - 16/03/2017
BNEWS Sau một thời gian dài ngừng sản xuất do ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển, hiện nay cơ sở sản xuất nước mắm Huỳnh Kế, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đang hồi sinh trở lại.
Đảm bảo chất lượng nước mắm sau sự cố môi trường biển. Ảnh: TTXVN

Kể từ khi biển bị ô nhiễm, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Huỳnh Kế đã phải gồng mình vượt qua khó khăn do sản phẩm bán ra không tiêu thụ được, ít người mua vì tâm lý sợ nhiễm độc. Khó khăn là vậy nhưng chủ cơ sở này vẫn đảm bảo giữ thương hiệu, không chỉ bằng chất lượng sản phẩm mà còn bằng cái tâm của nghề.
Bà Lê Thị Huỳnh, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Huỳnh Kế cho biết, trước đây, doanh thu mỗi năm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng, lãi ròng 250 đến 300 triệu đồng/năm, hơn một năm qua doanh thu chỉ đạt 300 triệu đồng, lãi rất ít. Nguyên nhân theo bà Huỳnh là do người tiêu dùng có tâm lý sợ nước mắm được làm từ cá biển bị nhiễm độc. Số người vẫn tin dùng nước mắm của bà chỉ còn lại khách hàng quen thuộc, chủ yếu người dân ở địa phương.

Từ đầu năm 2017 đến nay, biển đã hồi sinh, ngư dân ra khơi đánh bắt được những mẻ cá lớn. Do đó, việc thu mua và chế biến nước mắm cũng đã trở lại.
Quê ở vùng đất đỏ xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, bà Huỳnh lấy chồng ở xã vùng biển nên xin đi làm công nhân thủy sản. Làm công nhân được 5 năm, đến năm 1989, bà phải nghỉ việc theo chế độ 176.

Sống ở vùng biển, bà chẳng biết làm gì, chợt nhớ cá tôm, nên mày mò thử làm nước mắm. Ban đầu, bà làm chỉ để ăn và bán cho người dân trong xóm, về sau, người tới hỏi mua ngày càng nhiều, bà nhờ đó mới mạnh dạn đầu tư, mở ra làm quy mô hơn…
Bí quyết làm nên nước mắm thơm ngon nổi tiếng của bà Huỳnh là nhờ vào sản phẩm đầu vào, thời gian phơi ủ mắm phải dài. Theo đó, các loại cá được bà lựa thu mua phải là cá tươi, ngon; việc chế biến phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh, từ khâu làm sạch đến khâu vào hũ, chum để muối và bảo quản.

Do thời gian phơi ủ mắm lâu, mỗi năm vào mùa thu mua cá để làm nước mắm, bà Huỳnh thường thu mua khối lượng lớn, sản xuất theo kiểu gối đầu, đảm bảo được lượng mắm không bị hụt.

Bà Huỳnh cho biết, nước mắm bà sản xuất hiện nay đều được sản xuất từ số cá do bà thu mua trước khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung khá lâu. Tuy nhiên, do người tiêu dùng còn ngại dùng nước mắm vì nghĩ rằng chúng được làm ra từ cá bị nhiễm độc, việc sản xuất kinh doanh phải cầm chừng. Hiện tại bà tập trung vào công việc bảo quản mắm, chờ khi khách hàng tin dùng trở lại mới sản xuất đại trà.

Bên cạnh đó, bà Huỳnh vẫn tiếp tục vào công việc nâng cấp nhà xưởng, khu vực sản xuất, bể chứa; nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng…
Qua gần 30 năm trụ vững trên thương trường, với những cố gắng không mệt mỏi vì sức khỏe của người tiêu dùng, cơ sở sản xuất nước mắm Huỳnh Kế đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong sản xuất kinh doanh tại Đại hội Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc lần II; Năm 2010 đoạt “Huy chương vàng và Chứng nhận danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng; “Giải cầu vàng chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng.

Năm 2012 cơ sở đoạt “Danh hiệu Thực phẩm Việt – Vì sức khỏe người Việt” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tặng…

>>>Lần đầu công bố bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục