Đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

08:30' - 18/11/2017
BNEWS Tỉnh Bình Dương đã ban hành đề án đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến 2025.
Đăng ký việc làm tại một phiên giao dịch ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Theo đó, mục tiêu của đề án đến năm 2020 phấn đấu đưa tỷ lệ lao động trên địa bàn tỉnh qua đào tạo đạt 80%, đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 4.000 học viên; hàng năm, giải quyết số việc làm tăng thêm khoảng 45.000 lao động.

Tỉnh phấn đấu, đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 40%; hàng năm, giải quyết cho số việc làm tăng thêm khoảng 45.000 lao động.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đối tượng được đào tạo nghề là thanh niên trong độ tuổi lao động ở thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có việc làm; bộ đội xuất ngũ; học sinh, học viên trung cấp, cao đẳng, sinh viên đại học, các chuyên ngành khác đã học xong nhưng chưa có việc làm; người lao động tại doanh nghiệp.

Ngành nghề tập trung đào tạo gồm các ngành mũi nhọn, sử dụng khoa học – công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện, điện tử...

UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thị xã, thành phố, các trường học và cơ sở giáo dục, thường xuyên thực hiện các giải pháp chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bình Dương tập trung đầu tư xây dựng từ 2 đến 3 trường cao đẳng có chất lượng tầm khu vực và quốc tế.

Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thảo dạy nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, tìm ra các ngành nghề cần đào tạo, ưu tiên phát triển các nghề trọng điểm.

Tỉnh xây dựng quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo; tăng cường thực hiện các chương trình đào tạo khởi sự, quản trị doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường cao đẳng, trung cấp; tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm./.

Xem thêm:

>>>Vươn tới vùng sâu, vùng xa

>>>Hỗ trợ kỹ năng xây dựng của tu nghiệp sinh Việt Nam trong ngành xây dựng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục