Đảm bảo tiến độ dự án giải tỏa năng lượng tái tạo và nhà máy điện miền Tây Nam bộ

12:13' - 23/01/2021
BNEWS Năm 2021, Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam sẽ tập trung đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch.
Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam – SPMB (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT) cho biết, năm 2021, đơn vị sẽ tập trung đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, đặc biệt đối với các dự án giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo, các nhà máy điện khu vực miền Tây Nam bộ...
Cụ thể, SPMB sẽ tập trung đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam như: Đường dây 500 kV Mỹ Tho - Đức Hòa (tháng 01 Âm lịch); TBA 500kV Đức Hòa (tháng 01 Âm lịch); đường dây 500kV Sông Hậu – Đức Hòa (giai đoạn 2); Trạm 500kV Long Thành; nâng công suất/lắp máy 2 các TBA 500 kV Ô Môn, Nhà Bè; các TBA 220kV Bến Lức; đường dây đấu nối để giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo từ Nhà máy Vĩnh Châu. Cùng với đó, đảm bảo tiến độ các công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo như: Nâng công suất các TBA 500kV Đăk Nông; các TBA 220 kV Cam Ranh, Giá Rai...
Với tổng vốn đầu tư gần 3.715,7 tỷ đồng, trong năm 2021, SPMB sẽ khởi công 9 công trình; bao gồm: Trạm 500kV Củ Chi và đường dây đấu nối 220kV, đường dây 500kV Ô Môn - Thốt Nốt, Trạm biến áp 500kV Thốt Nốt, nâng công suất Trạm 500kV Đăk Nông, Trạm 220kV Năm Căn và đường dây 220kV Năm Căn - Cà Mau 2, cải tạo đường dây 220 kV Cà Mau 2-Nhiệt điện Cà Mau, Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối, Mạch 2 đường dây 220kV Rạch Giá 2 - Kiên Bình, Trạm 220kV Vĩnh Châu và đường dây đấu nối.
Bên cạnh đó, SPMB sẽ phấn đấu để khởi công ngoài kế hoạch 8 dự án gồm 3 dự án 500kV và 5 dự án 220kV. Đó là Trạm biến áp 500 kV Đồng Nai 2 và đường dây đấu nối; Đường dây 500 kV Bình Dương 1-Chơn Thành; Đường dây 500 kV Bình Dương 1-rẽ Sông Mây-Tân Định; Mạch 2 đường dây 220 kV  Bảo Lộc - Sông Mây; Trạm biến áp 220kV Bến Cát 2 và đấu nối đường dây 220kV Chơn Thành - Bến Cát 2; Trạm biến áp 220 kV Định Quán và đường dây đấu nối; Đấu nối 220kV đấu nối trạm biến áp 500kV Bình Dương 1-rẽ Uyên Hưng-Sông Mây; Trạm biến áp 220kV Long Sơn và đường dây đấu nối.
Ngoài ra, SPMB còn có kế hoạch đóng điện 13 công trình, bao gồm lắp đặt máy biến áp (MBA) 500/220kV liên lạc tại sân phân phối 500/220kV Long Phú; đường dây 500kV Mỹ Tho – Đức Hòa; Trạm 500kV Đức Hòa và đấu nối; Nâng công suất các Trạm biến áp 500kV: Nhà Bè, Ô Môn (máy 2); đường dây 500kV Long Thành - rẽ Phú Mỹ - Sông Mây; Trạm biến áp 500kV Long Thành; đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa; Trạm 220kV Giá Rai; Cải tạo đường dây 220kV Cà Mau 2-Nhiệt điện Cà Mau; Trạm 220kV Bến Lức; Trạm 220kV Cam Ranh và đấu nối; Lắp MBA 220kV thứ 2 Trạm 220kV Cam Ranh; Trạm 220kV Châu Thành (Hậu Giang) và đấu nối.
Đồng thời, SPMB sẽ phấn đấu hoàn thành đóng điện ngoài kế hoạch 5 công trình 220kV gồm: Trạm biến áp 220kV An Phước, cải tạo đường dây 110kV Nhiệt điện Phú Mỹ - Tân Thành thành đường dây 4 mạch hỗn hợp 220-110kV, đường dây 220kV Sông Mây - Tam Phước, Trạm 220kV Tam Phước và đường dây 220kV Cáp ngầm Tao Đàn - Tân Cảng.
Mặt khác, SPMB còn chuẩn bị các thủ tục để đầu tư 54 công trình, gồm 12 công trình 500kV và 42 công trình 220kV.
Giám đốc SPMB, ông Trương Hữu Thành cho biết, bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam có những thuận lợi, đó là: SPMB có kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư lưới điện truyền tải trên 23 tỉnh, thành miền Nam. Đơn vị đã hoàn thành nhiều công trình lưới điện truyền tải trong giai đoạn 2016 - 2020 và tiếp tục đưa vào vận hành đầu năm 2021 góp phần nâng cao năng lực hệ thống điện truyền tải và chống quá tải tại nhiều khu vực trọng điểm.
Tuy nhiên, theo ông Thành, SPMB tiếp tục phải đối diện với khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng do giá đất tăng cao. Người dân không đồng thuận về bồi thường giải phóng mặt bằng và yêu cầu cao trong giải ngân. Đặc biệt là yêu cầu về tiến độ cấp bách của các dự án trọng điểm, nhu cầu dùng điện tăng cao. Trong khi đó, sẽ có nhiều thay đổi các quy định về công tác đầu tư trong các văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp, nhiều khâu kéo dài...
Để hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng đã đề ra trong năm nay, theo ông Thành, SPMB sẽ tập trung triển khai sớm công tác chuẩn bị đầu tư và thỏa thuận tuyến, mặt bằng để có đủ thời gian cho các giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật. Đồng thời, đơn vị yêu cầu các công ty tư vấn thiết kế cam kết đảm bảo chất lượng, tiến độ của các dự án.
SPMB sẽ nâng cao chất lượng lập dự toán để chuẩn xác ngay từ đầu, tránh trường hợp một số gói thầu phải tổ chức lập lại dự toán, đấu thầu lại nhiều lần mới lựa chọn được nhà thầu; nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn xét thầu, tăng cường quản lý hợp đồng và quản lý chất lượng các nhà thầu xây lắp, cung cấp vật tư, thiết bị. Kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của dự án.
Cùng với việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn thiết bị trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật để có thể luân chuyển, điều động thiết bị giữa các dự án, SPMB còn thực hiện các giải pháp tăng cường tính cạnh tranh trong đấu thầu, tuân thủ chặt chẽ yêu cầu công khai, minh bạch trong đấu thầu, tiếp tục thực hiện triệt để hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng.
Bên cạnh đó, SPMB xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập tổng tiến độ, giải phóng mặt bằng, giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu; Quyết liệt chỉ đạo, điều hành các đơn vị, nhà thầu triển khai dự án đúng theo các mốc tiến độ đề ra. 
SPMB còn chủ động bám sát các bộ, ban, ngành và các địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án; Triển khai đo đạc, bồi thường giải phóng mặt bằng trước khi thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt.
Đặc biệt, đơn vị tăng cường bám sát chính quyền địa phương để tranh thủ sự ủng hộ giải quyết các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng kịp thời, tạo điều kiện để nhà thầu thi công công trình đảm bảo tiến độ. Lãnh đạo SPMB và các đơn vị thường xuyên có mặt trên công trường, đặc biệt các công trình trọng điểm để chỉ đạo phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện. 
Ngoài ra, SPMB cũng tăng cường giám sát, nghiệm thu, kiểm tra chất lượng vật tư thiết bị theo hợp đồng, trên công trường đảm bảo chất lượng đúng theo hợp đồng trước khi đưa vào sử dụng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên giám sát thi công tại hiện trường, tăng cường cán bộ kỹ thuật có mặt tại công trường để phối hợp đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu và tư vấn thiết kế xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, tổ chức nghiệm thu, đóng điện đưa các công trình vào vận hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục