Đằng sau làn sóng phá sản doanh nghiệp của các nền kinh tế lớn

05:30' - 22/08/2023
BNEWS Từ Mỹ đến Liên minh châu Âu (EU) rồi đến Nhật Bản, hiện tượng phá sản doanh nghiệp của ba nền kinh tế lớn hiện nay ngày càng nghiêm trọng.

Không những ngành sản xuất chế tạo sụp đổ hàng loạt mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ cũng lần lượt đóng cửa. Không chỉ các doanh nghiệp lớn và vừa liên tiếp giải thể, mà các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng từ bỏ cuộc chơi. Không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp ngừng hoạt động với số lượng lớn, mà các doanh nghiệp trưởng thành cũng ngưng trệ. Không những các ngành nghề truyền thống lao đao mà các ngành nghề mới nổi cũng gặp khó khăn.

*Làn sóng phá sản bao trùm

Theo số liệu thống kê mới nhất của S&P Global, trong nửa đầu năm nay Mỹ có 324 doanh nghiệp sở hữu giá trị tài sản từ 2-10 triệu USD bị phá sản, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, "mây đen" phá sản bao trùm các doanh nghiệp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) càng dày đặc hơn, trong đó số lượng doanh nghiệp phá sản của Đức nửa đầu năm tăng lên đến con số 8.400, đồng thời số lượng doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản ghi nhận mức cao nhất trong 20 năm qua, đặc biệt Pháp có đến 13.200 doanh nghiệp phá sản trong quý II/2023. Bên cạnh đó, theo một báo cáo nghiên cứu khác của PwC, số lượng doanh nghiệp phá sản của Anh trong nửa đầu năm là 13.000, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Ở Nhật Bản, số liệu mới nhất do Tokyo Shoko Research công bố cho thấy, sau khi ghi nhận 4.042 doanh nghiệp phá sản trong nửa đầu năm nay, tăng 32% so với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp phá sản trong tháng 7/2023 lại tăng thêm 758 và đã tăng 16 tháng liên tiếp.

Theo báo cáo phân tích của S&P Global, trong 15 năm qua, doanh nghiệp ở các nước phát triển lúc nào cũng có thể huy động vốn với mức lãi suất hợp lý từ 4%-6%, đặc biệt trong thời kỳ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đưa lãi suất xuống mức tiệm cận 0, cũng như Eurozone và Nhật Bản thực hiện chính sách lãi suất âm, chi phí huy động vốn của các doanh nghiệp càng rẻ hơn. Chính sách nới lỏng tiền tệ đã hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vay kinh doanh hết sức thuận lợi, đồng thời cũng khiến cho mô hình đảo nợ kéo dài, rủi ro phá sản doanh nghiệp vì vậy giảm đi đáng kể.

 

Tuy nhiên, khi gặp vòng xoáy lạm phát, chính sách tiền tệ lập tức dừng lại và nhanh chóng thắt chặt, chi phí nợ của doanh nghiệp tăng mạnh lên mức 9%-13% hiện nay. Đánh giá toàn diện, ngoài Nhật Bản, việc chi phí huy động vốn liên tục gia tăng là "lưỡi dao sắc" gọt phăng không ít doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu.

Trong 1 năm rưỡi qua, Fed đã tăng lãi suất 11 lần, lãi suất chủ chốt của ngân hàng này cuối cùng được nâng lên mức 5,25%-5,5%. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng 9 lần tăng lãi suất huy động, lãi suất cận biên và lãi suất tái cấp vốn đồng loạt tăng lên cao nhất trong 22 năm. Ở Anh, BoE tăng lãi suất 14 lần liên tục, từ 0,25% của hai năm trước vọt lên 5,2% hiện nay, mức cao nhất trong 15 năm qua.  Trong bối cảnh chi phí gia tăng cũng như việc tái tạo và bổ sung vốn gặp khó khăn, dòng tiền của doanh nghiệp rất dễ bị đứt gãy, cuối cùng chỉ có thể lựa chọn phương án phá sản.    

Đặc biệt, vấn đề cần phải nhấn mạnh là so với các doanh nghiệp lớn có vị thế tín dụng tương đối cao, có thể lựa chọn các khoản vay lãi suất dài hạn và cố định, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có thể tiếp cận các khoản vay lãi suất thả nổi, lãi vay dễ dàng tăng lên nhanh chóng khi lãi suất cơ bản tăng, cuối cùng áp lực chi phí đi vay ngày càng trầm trọng, tỷ lệ phá sản cũng sẽ cao hơn. Mặt khác, lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng cao chắc chắn cũng đẩy lãi suất trên thị trường vốn đi lên, nghĩa là lợi suất trái phiếu tăng. Như vậy, lãi suất cao không chỉ đồng nghĩa với doanh nghiệp cần nhiều thanh khoản hơn, phải trả chi phí huy động vốn cao hơn, mà còn có nghĩa những doanh nghiệp có các khoản nợ lịch sử lớn đối diện với chi phí trả nợ cao hơn, đồng thời cũng cho thấy những doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh cần phải trả chi phí tái cấp vốn cao hơn, vậy nên phá sản bao trùm tất cả các ngành nghề ở Mỹ và châu Âu.  

Đồng thời với áp lực chi phí huy động vốn cao, hai năm trở lại đây, mức độ tăng giá của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm qua, đặc biệt là các nước châu Âu và Nhật Bản có tỷ lệ tự cung năng lượng thấp. Lãi suất bằng đồng USD ngày càng cao đã thúc đẩy giá cả hàng hóa chiến lược bao gồm dầu thô quốc tế leo thang, điều này khiến các nước châu Âu và Nhật Bản nhanh chóng tạo ra lạm phát nhập khẩu, doanh nghiệp phải thanh toán chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và nhiên liệu nhiều hơn. Không những vậy, Anh và Nhật Bản còn đối diện với thách thức nghiêm trọng về chi phí lao động tăng cao. Hai nước không chỉ tồn tại hiện tượng mất cân bằng cung-cầu nguồn nhân lực giống nhau, tỷ lệ tuyển dụng của ứng viên ở Anh là 1,4 và Nhật Bản là 1,32, thị trường đã có cơ chế nội tại tăng lương. Sau đợt tăng lương lớn nhất 31 năm qua với biên độ 2,27% vào năm 2022, lương nhân viên của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng 3,69% trong  năm nay. Ở Anh, tiền lương cố định trong nước (không bao gồm tiền thưởng) từ tháng 3-5/2023 đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức cao mới sau khi tăng kỷ lục trong giai đoạn từ tháng Hai đến tháng Tư năm nay.   

*Khó khăn về huy động vốn

Do chi phí nhập khẩu và chi phí lao động lớn đã nuốt chửng lợi nhuận, nên mức độ nghiêm trọng về phá sản của các doanh nghiệp châu Âu và Nhật Bản vượt xa Mỹ.

Tiếp tục đi sâu phân tích có thể thấy rằng, cho dù là Fed, ECB, BoE hay Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đều áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng (QE), nới lỏng định lượng và định tính (QQE). QE chủ yếu mua trái phiếu chính phủ, QQE chủ yếu mua các sản phẩm trên thị trường thứ cấp như trái phiếu doanh nghiệp, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và quỹ bất động sản trên thị trường chứng khoán. Thậm chí Fed còn lần đầu tiên thông qua QQE để mua trái phiếu rác. Ngay cả khi ECB, BoE và BoJ không hành động như Mỹ, nhưng trong số các sản phẩm ETF đã mua cũng không thiếu những trái phiếu hạng BB dưới mức khuyến nghị đầu tư. Việc ngân hàng trung ương tham gia thị trường mua trái phiếu doanh nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế không chỉ bơm đủ thanh khoản cho thị trường, mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu luân chuyển vốn của doanh nghiệp, đồng thời củng cố niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do việc phát hành trái phiếu không phải băn khoăn về người mua và cũng không thiếu người bảo hiểm rủi ro, nên việc huy động vốn luôn dễ sàng và suôn sẻ. Vì vậy, doanh nghiệp không cần thay đổi mô hình kinh doanh, không cần tăng cường quản lý, càng không quan tâm đến phép lặp và nâng cấp sản phẩm thì cũng có thể tiếp tục tồn tại theo phương thức “nằm yên”. Tuy nhiên, khi QE và QQE chấm dứt và bắt đầu “thu hẹp bảng cân đối kế toán”, những doanh nghiệp tận dụng cơ hội để tăng mạnh đòn bẩy hoặc nợ nần chồng chất trước đó đột ngột phát hiện mình rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan “mất máu”, đặc biệt là trái phiếu rác không chỉ có lãi suất cao mà còn có thời hạn ngắn, chủ thể phát hành đang phải đối mặt với áp lực trả nợ chưa từng có, doanh nghiệp cuối cùng chỉ có thể phá sản. Từ góc độ này, sự phá sản với số lượng lớn của các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trên thực tế là sự giải phóng tập trung những rủi ro ngày càng tích tụ của QE và QQE.      

So sánh QE và QQE, trong thời gian dịch bệnh, chính sách cứu trợ ba nền kinh tế lớn đưa ra mặc dù có hiệu quả trực tiếp đối với không ít doanh nghiệp, nhưng cuối cùng cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực và tác hại. Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Mỹ, Eurozone và Anh đã hỗ trợ tài chính và giảm thuế cho các doanh nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách không lãi suất, cho vay không bảo đảm đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, chính sách mang tính hỗ trợ tạm thời này đã rút lui từng bước, điều này khiến cho các doanh nghiệp từng coi chính phủ là "chiếc phao cứu sinh" trong thời gian đại dịch bị sốc, những khuyết điểm và yếu kém trước đó cũng bộc lộ ngày càng rõ hơn, phương thức dựa vào "bơm tiền cứu trợ" để tồn tại đã không còn bền vững.

Chính sách giải cứu theo kiểu quản lý khủng hoảng quả thực đã giúp các doanh nghiệp liên quan đạt được mục đích duy trì sự tồn tại, nhưng cũng khiến cho không ít “doanh nghiệp xác sống” tiếp tục tồn tại, những doanh nghiệp đáng lẽ phải phá sản không được xử lý kịp thời, chức năng đào thải của thị trường bị kiềm chế, doanh nghiệp cũng có thể bỏ qua cơ hội tái cấu trúc hoạt động và bóc tách tài sản cũng như điều chỉnh mô hình kinh doanh. Chỉ có điều sức mạnh đào thải của thị trường được hình thành từ lạm phát nghiêm trọng và chi phí lãi suất cao đã hiện ra với một diện mạo rất tàn nhẫn và vô tình, nhiều doanh nghiệp không phải là bó tay chờ chết mà là bị "quật ngã". Rõ ràng, tình trạng phá sản trầm trọng hiện nay của các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thực sự là một kết quả bị trì hoãn bởi chính sách, là một sự tái định hình vi mô của quá trình tự điều chỉnh thị trường và sự "đổi ngôi" giữa các ngành nghề.

Số liệu thống kê cho thấy, các tòa án địa phương của Mỹ đã nhận được tổng cộng 16.200 đơn xin phá sản trong quý I/2023, tuy nhiên đơn xin phá sản không có nghĩa là phá sản thực sự, kết quả thụ lý cuối cùng chắc chắn sẽ khiến số vụ phá sản thực tế vượt xa con số hiện tại. Đồng thời, theo dự báo mới nhất của Công ty bảo hiểm tín dụng toàn cầu Allianz, số lượng doanh nghiệp phá sản của Eurozone năm nay sẽ vượt qua năm trước, Anh có khoảng 28.500 doanh nghiệp phá sản, tăng 16% so với cùng kỳ. Đối với Nhật Bản, quy mô phá sản năm 2023 sẽ tăng lên mức cao hơn đã không còn là điều gây bất ngờ. Ngoài ra, theo báo cáo phân tích toàn diện của PwC và Allianz, hiện tượng làn sóng phá sản doanh nghiệp của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục diễn biến nghiêm trọng hơn./.

           

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục