Đánh giá xu hướng giá tiêu dùng tại Nhật Bản năm 2023

06:30' - 08/01/2023
BNEWS Người tiêu dùng tại Nhật Bản không thích tăng giá và việc phục hồi hoạt động kinh tế cũng rất chậm chạp.

Theo báo Asahi của Nhật Bản, xu hướng tăng kỷ lục của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản đã kéo dài trong năm 2022. Chỉ số CPI tháng 11/2022 đã tăng 3,7%, mức tăng cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ cách đây 40 năm.

Theo Giáo sư Watanabe Tsutomu thuộc Đại học Tokyo, đồng thời là nghiên cứu viên chính tại Trung tâm nghiên cứu vật giá Nhật Bản, chỉ số CPI của Nhật Bản trong năm 2022 đã nằm ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế. Hầu hết các chuyên gia cho rằng CPI của Nhật Bản sẽ không đạt mức 2% như mục tiêu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đề ra. 

Lý do là các cửa hàng lo lắng về việc tăng giá sẽ khiến khách hàng lựa chọn cửa hàng khác và quyết định không chuyển đổi mức tăng giá nguyên liệu vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế người tiêu dùng đã thay đổi hành động và các doanh nghiệp đã bắt đầu nâng giá sản phẩm.

Việc thay đổi hành động của người tiêu dùng Nhật Bản là khá kỳ lạ. Có thể lý giải rằng người tiêu dùng Nhật Bản đã nhận thức được lạm phát tại Nhật Bản có thể tăng lên mức cao tương tự như các quốc gia Âu-Mỹ hiện nay.

Lạm phát xảy ra tại các quốc gia Âu-Mỹ được lý giải là do nguồn cung quá ít trong khi nhu cầu lại tăng quá cao. Nếu xung đột giữa Nga và Ukraine không xảy ra, khả năng cao nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều thứ và một trong số đó là giảm nguồn cung lao động. Người lao động bị nhiễm COVID-19 và tử vong hoặc suy giảm sức khỏe bởi các biến chứng thời kỳ hậu COVID-19.

Một sự thay đổi đáng chú ý khác là sự dịch chuyển từ dịch vụ sang hàng hóa. Do sự thiếu hụt nguồn cung, cho dù ngân hàng trung ương các nước có tăng lãi suất thì hiệu quả kiểm soát vật giá cũng rất khó khăn.

Trong giai đoạn đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng rất khó giảm xuống mức 2%. Sẽ mất khoảng thời gian vài năm để chính phủ và ngân hàng trung ương các quốc gia có thể kiểm soát được CPI ở mức độ nào đó.

Người tiêu dùng tại Nhật Bản không thích tăng giá và việc phục hồi hoạt động kinh tế cũng rất chậm chạp. Tuy nhiên, cũng có thể nhận định rằng năm 2023, kinh tế Nhật Bản chính thức bắt đầu mở cửa trở lại.

Trong thời gian tới, khách du lịch từ các quốc gia đến Nhật Bản sẽ tăng lên kéo theo đó là tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Nhật Bản sẽ trầm trọng hơn. Điều quyết định trong thời gian tới đối với Nhật Bản là xu hướng vật giá tăng cao và việc tăng lương cho người lao động có được thúc đẩy quyết liệt hay không.

Có nhiều dự báo cho rằng tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tại Nhật Bản sẽ giảm xuống mức 1% vào mùa Thu năm 2023. Tuy nhiên, cách nhìn nhận này có thể sai lầm khi không đánh giá đầy đủ sự thay đổi trong thái độ của người tiêu dùng, giống như các nhận định đưa ra 1 năm trước đây về chỉ số CPI tại Nhật Bản năm 2022.

Mặc dù chưa thể đánh giá chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng lên mức gần 4% hay không, song dù đà tăng giá nguyên vật liệu giảm xuống, khả năng lạm phát tại Nhật Bản sẽ xoay quanh mốc 2% là khả thi.

Một trong những vấn đề được chú ý thời gian gần đây là mức độ tăng lương trong kỳ tuyển dụng mùa Xuân năm 2023 có thể bù đắp được mức tăng của giá hàng hóa hay không.

Trong thời gian 20 năm qua, mức tăng tương của Nhật Bản liên tục duy trì ở mức 2% và chưa đạt mục tiêu 5% mà Liên đoàn Lao động Nhật Bản (Rengo) đặt ra. Tuy nhiên, cũng có thể lạc quan khi Rengo đã nỗ lực để nâng mục tiêu tăng lương lên mức “khoảng 5%”, cao nhất trong 28 năm, kể từ mức 5-6% của năm 1995. Việc xây dựng môi trường hàng năm để tỷ lệ tăng lương cao hơn tỷ lệ tăng vật giá là hết sức cần thiết.

Hiện tại, việc tăng lương đang được thúc đẩy ở các doanh nghiệp lớn, song vấn đề này cũng khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ lo lắng. Các doanh nghiệp có thể đảm bảo được lợi nhuận nếu chuyển phần tăng giá nhân công và giá thành sản phẩm. 

Mặc dù những nhà kinh doanh lo ngại khách hàng sẽ rời bỏ, song điều quan trọng là phải giải thích rõ ràng về sự cần thiết phải tăng giá bán. Khi người tiêu dùng hiểu, xu hướng tiêu dùng sẽ trở lại bình thường và hoạt động kinh tế xã hội sẽ sôi động trở lại. 

Nếu như có thể tạo ra được vòng tuần hoàn tiêu dùng thuận lợi như vậy, khả năng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội “sống sót” trong thời kỳ khó khăn như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục