Đánh thuế các công ty đa quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp Canada có lợi hơn

10:40' - 06/06/2021
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Canada cho biết, việc đánh thuế các công ty đa quốc gia sẽ cho phép các doanh nghiệp Canada cạnh tranh trên “một sân chơi bình đẳng và công bằng” trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong một phát biểu ngày 5/6, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland cho biết, thỏa thuận mang tính bước ngoặt của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về áp thuế cao hơn trên quy mô toàn cầu đối với các tập đoàn lớn đồng nghĩa cuộc cạnh tranh giảm thuế có thể kết thúc, một điều sẽ có lợi cho Canada.

Phát biểu trên được bà Chrystia Freeland đưa ra sau cuộc họp ở London, Vương quốc Anh, nơi các nước G7 nhất trí ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên quy mô toàn cầu. Quyết định trên của G7 có thể huy động hàng trăm tỷ USD để giúp các chính phủ đối phó với hậu quả của đại dịch COVID-19. Các công ty cũng sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở các quốc gia mà họ có hoạt động kinh doanh.

Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết, việc đánh thuế các công ty đa quốc gia sẽ cho phép các doanh nghiệp Canada cạnh tranh trên “một sân chơi bình đẳng và công bằng” trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong bài đăng trên Twitter, bà Freeland viết: “Các tập đoàn đa quốc gia cần phải trả phần thuế công bằng của họ và G7 vừa vạch ra một con đường để biến điều này thành khả thi”.

Bà Freeland cho biết vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Canada - một quốc gia có mức thuế tương đối cao. Bộ trưởng Tài chính Canada cũng nhấn mạnh: “Các cuộc thảo luận tại G7 là cơ hội quan trọng để thúc đẩy lợi ích kinh tế quốc gia của Canada, phối hợp chặt chẽ với các đối tác dân chủ của chúng tôi về những thách thức phía trước".

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhận định với thỏa thuận này, các công ty sẽ không còn có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế bằng cách đặt lợi nhuận của họ ở các quốc gia có mức thuế thấp nhất. Khuôn khổ này có thể buộc một số tập đoàn lớn nhất thế giới phải nộp thuế ở các quốc gia nơi họ có doanh thu cao dù không đặt trụ sở chính.

Thỏa thuận không nêu rõ chính xác những doanh nghiệp nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh, chỉ đề cập đến “các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất”. Dư luận tại châu Âu lo ngại rằng một số doanh nghiệp như Amazon có thể ít bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này vì Amazon báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn hầu hết các công ty công nghệ lớn khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục