Đầu tư vào ASEAN tăng mạnh “nhờ” thương chiến Mỹ-Trung

05:30' - 24/01/2020
BNEWS Bất chấp những quan ngại về tác động của các biện pháp thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Đông Nam Á vẫn ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là nhận định được đăng trong bài viết của tác giả Simon Roughneen trên trang The Interpreter thuộc Viện nghiên cứu Lowy Australia.

Báo cáo mới được công bố tại Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy tổng vốn FDI toàn cầu năm 2019 đạt 1.390 tỷ USD. Trong đó, các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhận được 177 tỷ USD, vượt mức kỷ lục trước đó vào năm 2018 là 155 tỷ USD.

Mặc dù, tổng FDI vào khu vực Đông Nam Á trong năm 2019 vẫn thấp hơn đáng kể so với con số 305 tỷ USD vốn FDI của Liên minh châu Âu (EU) và 251 tỷ vốn FDI của Mỹ, nhưng dòng chảy đầu tư vào khu vực này ghi nhận mức tăng trong khi tại EU giảm 15% và tại Mỹ con số này là không thay đổi so với năm 2018.

Xét trên khía cạnh các khu vực kinh tế chung đang phát triển, Mỹ Latinh và Caribe nhận được tổng số vốn FDI thấp hơn một chút so với Đông Nam Á. Tuy nhiên, nguồn vốn mà hai khu vực này thu hút được vượt xa con số FDI chảy vào châu Phi, ước tính khoảng 49 tỷ USD.

Trong năm 2019, Trung Quốc có tổng số vốn FDI đạt 140 tỷ USD, cao hơn không đáng kể so với năm 2018, nhưng toàn bộ khu vực Đông Á chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, lên tới 21%, do FDI vào Hong Kong (Trung Quốc) giảm gần một nửa, xuống còn 55 tỷ USD.

Hong Kong bắt đầu bị suy thoái kinh tế từ quý II/2019, do ảnh hưởng của các cuộc biểu tình khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng đến Singapore, quốc gia chiếm phần lớn FDI của ASEAN, với tổng số vốn FDI là 110 tỷ USD, nhiều hơn 42% so với năm 2018.

Các nhà phân tích đánh giá "đảo quốc sư tử" đã được hưởng lợi từ sự chuyển hướng của du khách và các hoạt động kinh tế từ Hong Kong. Singapore vốn là một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào FDI và đang phải vật lộn với một nền kinh tế chậm phát triển. Năm 2019, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore ước tính giảm 0,7%, trong đó lĩnh vực thế mạnh là xuất khẩu hàng điện tử ghi nhận mức giảm lớn nhất.

Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), dòng vốn FDI năm 2018 tại Hong Kong ở mức tương đương hơn 23% GDP và tại Singapore là hơn 22% - cả hai tỷ lệ này đều cao hơn nhiều so với phần lớn các quốc gia khác tại Đông Nam Á. Quốc gia có tỷ lệ FDI so với GDP cao thứ hai ASEAN là Campuchia với 12,6%.

Báo cáo của UNCTAD chỉ ra rằng tổng vốn FDI năm 2019 của Singapore đứng thứ tư trên toàn thế giới. Quốc gia này từ lâu đã được định vị là thủ đô tài chính và là trung tâm của cả khu vực và thế giới.

Trong nhiều năm qua, Singapore luôn cạnh tranh trực tiếp với Hong Kong trên nhóm đầu của bảng xếp hạng thường niên về "Môi trường kinh doanh" (Doing Business) của WB. Mặc dù vậy, rất nhiều khoản tiền đầu tư trực tiếp vào Singapore thực sự lại hướng đến "đích cuối" là các quốc gia láng giềng.

Ghi nhận trong Báo cáo Đầu tư ASEAN 2019, được công bố cuối năm ngoái, cho thấy hơn 80% FDI vào lĩnh vực tài chính trong ASEAN đã chọn điểm đến là Singapore. Mặc dù vậy, một phần đáng kể của các khoản đầu tư đó có thể được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động FDI trên toàn khu vực, mà không phải là dành riêng cho Singapore.

Báo cáo Đầu tư ASEAN 2019 cũng cho biết, Indonesia là quốc gia thứ hai trong ASEAN ghi nhận sự phục hồi đầu tư nước ngoài đáng kể. Năm 2019, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thu được 24 tỷ USD vốn FDI. Đây hoàn toàn là điều bất ngờ với các chuyên gia kinh tế, vì năm ngoái, Indonesia đã trải qua cuộc bầu cử với nhiều biến động chính trị và các hoạt động biểu tình lan rộng tại nhiều thành phố lớn.

Báo cáo của UNCTAD không đi sâu vào phân tích bất kỳ một quốc gia cụ thể nào của ASEAN, nhưng Báo cáo Đầu tư ASEAN 2019 nhận định FDI đổ vào ASEAN tăng cao là nhờ sự chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN, đến từ các yếu tố cấu trúc (sự gia tăng chi phí lao động tương đối ở Trung Quốc) và được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Việt Nam được cho là sẽ nằm trong những quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hai cường quốc lớn nhất thế giới này đã hoàn tất ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng các mức thuế áp đặt lên hàng hóa lẫn nhau vẫn được duy trì như cũ.

Campuchia cũng đã nhận được các khoản đầu tư tăng cao nhờ cuộc chiến thương mại, với dòng vốn FDI trong nửa đầu năm 2019 tăng 9,4% từ mức kỷ lục 3,2 tỷ USD của năm 2018.

UNCTAD kết luận, mặc dù các đánh giá về nền kinh tế toàn cầu vẫn rất ảm đạm, nhưng ASEAN sẽ tiếp tục nổi lên là khu vực tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ nhất của thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục