Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn cung xì gà Havana cho châu Âu

08:53' - 18/01/2022
BNEWS Tình trạng thiếu nguyên liệu thô, chất bán dẫn, container, giấy… đang gia tăng ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh, làm gián đoạn nghiêm trọng nhiều ngành kinh tế.

Tình trạng thiếu nguyên liệu thô, chất bán dẫn, container, giấy… đang gia tăng ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh, làm gián đoạn nghiêm trọng nhiều ngành kinh tế.

Hiện tượng khan hiếm này không chỉ ảnh hưởng đến các sản phẩm thiết yếu mà ngành công nghiệp xa xỉ cũng chịu cảnh thiếu hụt. Xì gà Havana đang trở nên hiếm hoi ở châu Âu.

Nguyên nhân do những khó khăn cụ thể của Cuba, nhưng cũng như trong các lĩnh vực khác, đó là đại dịch và sự bùng nổ của thị trường Trung Quốc.

Người nghiện xì gà Havana ở Bỉ đã phải chịu sự thiếu hụt này từ hơn một năm qua.

Từ 12 năm nay, Philippe Bornauw, ông chủ của cửa hàng Tête d'Or, nép mình trong một ngôi nhà nhỏ có từ thế kỷ 16, cách Quảng trường lớn ở thủ đô Brussels một đoạn ngắn, chưa bao giờ trải qua tình huống như vậy. Đó là việc thiếu hụt nguồn cung xì gà.

Ông cho biết trong khoảng 18 tháng, nguồn cung cấp xì gà Cuba đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Sự khan hiếm chủ yếu ảnh hưởng đến những loại xì gà đắt tiền nhất, thương hiệu bị ảnh hưởng nhiều nhất là Cohiba.

"Hai năm trước, nếu tôi muốn có ba hộp Cohiba “Robusto” mỗi tuần, đây là một mẫu khá cổ điển, tôi đã nhận được chúng từ nhà nhập khẩu mà không gặp vấn đề gì. Hiện nay, tôi chỉ nhận được một hoặc hai hộp mỗi tháng nếu mọi việc suôn sẻ".

Tại cửa hàng Le Roi du Cigare, một cửa hàng xì gà hảo hạng khác ở Brussels, nằm ở rue Royale, ông chủ Philippe Vanderbruggen cũng xác nhận tình trạng này. Theo ông, thực tế còn tồi tệ hơn.

Các loại xì gà “Cohiba, Montecristo, “Edmundo”, "Romeo y Julieta", "Wide Churchill” cỡ

194 x194 mm thực sự đã trở nên cực kỳ hiếm, nhưng hiện tại, xì gà nhỏ hơn và thậm chí cả các loại nửa làm thủ công, nửa làm bằng máy (có giá rẻ hơn) cũng đang bắt đầu khan hiếm.

“Chúng tôi may mắn có một nhà nhập khẩu có lượng hàng dự trữ khá lớn và do đó vấn đề bắt đầu xuất hiện muộn hơn so với các nước khác, nhưng bây giờ chúng tôi cũng bị hạn chế trong sự lựa chọn của mình", ông Philippe Vanderbruggen cho biết.

Ông chủ của Le Roi du Cigare ước tính rằng lượng xì gà Cuba tại cửa hàng của ông đã giảm 3/4 so với cách đây hai hoặc ba năm. Tuy nhiên, nghịch lý là cột  “mua hàng”, con số lại tăng vào năm ngoái với nhà nhập khẩu có dự trữ.

Điều này là do ở Bỉ cũng như các  nơi khác trên thế giới, việc tiêu thụ xì gà đã tăng lên đáng kể kể từ khi áp dụng lệnh phong tỏa, những người nghiện xì gà được hút thoải mái ở nhà chứ không phải tuân theo lệnh cấm hút thuốc phổ biến ở tất cả các nơi làm việc.

"Đối với ba quốc gia là Bỉ-Hà Lan-Luxembourg (Benelux), chúng tôi đã bán được nhiều xì gà hơn vào năm 2021 so với trước khi đại dịch xảy ra", ông Rodrigo Crespo, đồng giám đốc điều hành tại Laguito 1492, cho biết. Đây là nhà phân phối độc quyền cho Benelux of Habanos, công ty nhà nước Cuba, sở hữu độc quyền sản xuất và phân phối xì gà Havana trên thế giới. Tuy nhiên, những con số tốt này có thể sẽ không lặp lại trong năm nay vì thiếu “hàng”.

*Khó khăn của Cuba

Nếu Cuba tự hào về việc đã tiêm chủng cho gần 90% dân số bằng loại huyết thanh được phát triển tại chỗ ("Soberana 2"), thì thuốc lại thiếu và các dịch vụ y tế của hòn đảo này rất bấp bênh.

Do đó, trong một nỗ lực để giữ tình hình sức khỏe được kiểm soát, chính phủ đã quyết định thực hiện các biện pháp cách ly mạnh mẽ đối với những người có nguy cơ cao. Điều này đã làm gián đoạn nhà máy sản xuất xì gà: một hoạt động thực chất thủ công.

Theo một số người, tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức ở một số vùng quê vốn có truyền thống trồng thuốc lá đã bị thay đổi mục đích sử dụng, giờ trở thành nơi trồng ngũ cốc hoặc củ ăn được.

Thêm vào đó là những vụ thu hoạch kém, đặc biệt là do biến đổi khí hậu. Kết quả là: các kho dự trữ lá, và đặc biệt là các lá bao bọc lớn và quý giá, lớp biểu bì của điếu xì gà, bao phủ các mô-đun phía trên "robusto" (124 x19,8 mm), sẽ không còn đủ để đáp ứng yêu cầu.

Nếu Cuba mở cửa trở lại hoạt động du lịch kể từ ngày 15/11/2021, quốc gia này cũng đã trải qua nhiều tháng dài ngừng hoạt động. Việc bãi bỏ các chuyến bay thương mại và thuê chuyến đến và đi từ La Habana đã làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu xì gà, đặc biệt là sang châu Âu.

Không thể vận chuyển những chiếc hộp quý giá bằng đường hàng không, người ta quay sang sử dụng phương tiện hàng hải. Ngoài việc kéo dài đáng kể thời gian giao hàng, chi phí hậu cần cũng bùng nổ.

Hơn nữa, trong nhiều tháng qua, việc thiếu container ở cấp độ toàn cầu, đặc biệt là do sự phục hồi tiêu thụ ở Mỹ và châu Âu. Các đội tàu container chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, nơi hàng hóa vận chuyển được tích tụ ở đó, và chắc chắn không hướng tới hòn đảo nhỏ Caribe.

Lần này, Trung Quốc cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về một phần sự "đau khổ" của những người hút xì gà Habana ở Brussels. “Lần đầu tiên trong lịch sử của chúng tôi, Trung Quốc đã trở thành thị trường toàn cầu đầu tiên của chúng tôi,” Phó Giám đốc thương mại của Habanos cho biết hồi đầu năm ngoái trên tạp chí Cigar Aficionado. Habanos mà Allied Cigar Corp, một công ty mẹ đăng ký tại Hong Kong (Trung Quốc), đã nắm giữ một nửa vốn kể từ tháng 10/2020…

Philippe Bornauw khẳng định: “Người Trung Quốc rất thích xì gà và việc chính thức mở cửa thị trường này đã làm nổi bật sự khan hiếm của một số loại nhãn mác nhất định ở châu Âu, đặc biệt là Cohiba”. Một hiện tượng được cảm nhận ngay cả ở địa phương. “Có những người Trung Quốc vào cửa hàng của tôi và muốn mua mọi thứ",  Philippe Vanderbruggen nói.

Năm 2020, kế hoạch sản xuất xì gà chính thức ở Cuba là 90 triệu điếu. Nhưng người ta không thể biết được triển vọng năm nay, vì tất cả những lý do nêu trên. Các chuyên gia không kỳ vọng nguồn cung điểm bán sẽ có sự cải thiện trong ngắn hạn.

Philippe Bornauw tuyên bố đã tính đến tình hình này từ vài năm trước nên đã đa dạng hóa chủng loại và cung cấp cho khách hàng các lựa chọn thay thế cho xì gà Havana, đặc biệt là từ Nicaragua (Ni-ca-ra-goa) và Cộng hòa Dominica (Đô-mi-ni-ca), mà qua đó, đã giúp ông hỗ trợ doanh thu của mình.

Nhưng với Philippe Vanderbrugge, người cung cấp xì gà với chủng loại đa dạng từ Caribe và Trung Mỹ, lo ngại rằng sự thiếu hụt hàng của Cuba sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác như Santo Domingo (Dominica), Honduras (On-đu-rát) hoặc Nicaragua,  ngay cả khi những khó khăn về vật chất không giống như ở Cuba. Đơn giản là vấn đề cung và cầu. “Gần đây tôi đã đọc được rằng vào năm 2020, tại Mỹ, đặc biệt là do làm việc từ xa, doanh số bán xì gà đã tăng 60% và đây rõ ràng không phải là các thương hiệu của Cuba.”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục