Dịch COVID-19 đẩy nguồn cung lương thực của Canada vào thế "hiểm nguy"

15:33' - 03/04/2020
BNEWS Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang khiến ngành nông nghiệp Canada gặp khó khăn trong việc tuyển lao động tạm thời để gieo trồng đúng thời vụ khi sắp vào Xuân.

Thực trạng này đang đe dọa nguồn cung lương thực, thực phẩm ở “xứ sở lá phong”.

Lâu nay, hàng chục ngàn lao động tạm thời người nước ngoài đã làm những công việc mà nhiều người Canada có ý “né”.

Thiếu hụt nguồn lao động này, hoạt động canh tác gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung lương thực của Canada.

Canada cấp phép cho khoảng 60.000 lao động thời vụ mỗi năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tháng Ba vừa qua, Chính phủ Canada cho phép lao động thời vụ nhập cảnh và yêu cầu những lao động này phải tuân thủ quy định cách ly trong 14 ngày.

Tuy nhiên, lao động thời vụ gặp nhiều khó khăn về hậu cần để có thể đến Canada làm việc, chẳng hạn như các văn phòng xử lý thị thực tại Mexicođã đóng cửa, các chuyến bay khan hiếm...

Ngoài ra, cũng có nhiều mối quan ngại về điều kiện sinh hoạt của lao động nhập cư khi họ thường sống trong các trong các nhà trọ tập thể, chung phòng tắm.… trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Ông Evan Fraser, Giám đốc Viện Arrell Food thuộc Đại học Guelph, nhận định dịch COVID-19 đã phơi bày những điểm yếu trong hệ thống lương thực Canada, trong đó có sự phụ thuộc của ngành nông nghiệp vào lao động thời vụ người nước ngoài và dòng dân cư được tự do qua biên giới làm việc.

Trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp gia tăng tại Canada, ngành nông nghiệp đang trông chờ vào khả năng thuê nhân công địa phương. Tuy nhiên, việc đào tạo những lao động không có kinh nghiệm sẽ là một thách thức.

Trong một diễn biến có liên quan, tại một số cửa hàng, siêu thị của Canada, nhiều loại thực phẩm đã "cháy hàng", trong bối cảnh dây chuyền cung ứng đã không lường được những thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng khi xảy ra dịch bệnh.

Song theo một số chuyên gia phân tích, tâm lý lo ngại các cửa hàng có thể đóng cửa do dịch bệnh và không muốn phải đi mua sắm nhiều lần để tránh dịch khiến người tiêu dùng “tăng tốc” mua hàng. Vì thế, tình trạng thiếu hàng này là do nhu cầu tăng vọt chứ không phải do nguồn cung khan hiếm.

Trên trang web của Chính phủ Canada cập nhật ngày 2/4, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 11.268 ca, trong đó có 138 ca tử vong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục