Dịch COVID-19: Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó

12:26' - 03/04/2020
BNEWS Theo ghi nhận hàng năm, quý I thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát nên doanh nghiệp vẫn còn đang chần chừ.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản Trung Sơn (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN
Tổng cục Thống kê cho biết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở mức gia tăng thấp của số doanh nghiệp thành lập mới, việc giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh cũng như quy mô doanh nghiệp và sự gia tăng mạnh của số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn.

*Doanh nghiệp đăng ký mới chững lại

Theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 3/2020, có 12.272 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 131.374 tỷ đồng, giảm 1,6% về số doanh nghiệp và chỉ tăng 2,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng. Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 3/2020 là 6.553 doanh nghiệp, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm 2019; bao gồm 2.452 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2019;  2.785 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 48%; 1.316 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 37,1%.

Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, quý I/2020 cả nước có 29.711 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất của quý I giai đoạn từ 2015-2019 (so với mức tăng trung bình là 10,9%).

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 gây ra cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Cụ thể, cả nước có 29.711 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất của quý I giai đoạn từ 2015-2019 (so với mức tăng trung bình là 10,9%). Điều này cho thấy, những ảnh hưởng đang ngày một rõ rệt của dịch COVID-19 đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong nước.

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2020 là 903.788 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ.

Tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước cho thấy, tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp đang e ngại trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 là 14.810 doanh nghiệp, giảm 1,6% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ này của quý I/2019 so với quý I/2018 tăng đến 78,1%.

Ông Phạm Đình Thúy cho rằng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là trong thu xếp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đây là điều đáng lo ngại bởi theo ghi nhận hàng năm thì khoảng thời gian quý I thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới. Do đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thời gian này sẽ nhiều nhất. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát nên doanh nghiệp vẫn đang chần chừ, nghe ngóng thông tin để có phương án tối ưu nhất.

Số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động trong quý I/2020 tập trung chủ yếu ở các ngành bán buôn, bán lẻ có 5.405 doanh nghiệp, chiếm 33,7%; xây dựng có 2.291 doanh nghiệp, chiếm 13,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.794 doanh nghiệp, chiếm 12,4%.

Tuy nhiên, trong quý I/2020, có 34.889 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 2% so với cùng kỳ 2019, bao gồm: 18.596 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26%; 12.178 doanh nghiệp chờ giải thể, giảm 20,6%; 4.115 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 0,02%. Trung bình mỗi tháng có 11.630 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay. Đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể”, ông Phạm Đình Thúy cho biết.

* Cần những giải pháp tháo gỡ 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê đề xuất, trước mắt hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. 

Từ đó, giúp doanh nghiệp tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho các ngành nông nghiệp, giao thông, du lịch; thực hiện chính sách thuế như miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ Xây dựng và Vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê cho rằng, vốn đầu tư công có tác động khá tích cực tới tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành xây dựng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Điều này hàm ý rằng vốn đầu tư công có vai trò là nguồn vốn “mồi”, thúc đẩy đầu tư từ các khu vực khác và sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng tập trung nhiều giải pháp khác như tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất. Quan tâm khai thác, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, đáp ứng nội nhu của nền kinh tế; đồng thời, có chính sách đưa hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Phạm Đình Thúy, các tổ chức tín dụng cần đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Cùng đó, theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng để có các biện pháp điều hành hợp lý nhằm bình ổn thị trường...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đang rất nỗ lực để nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết “nhiệm vụ kép”, là vừa ưu tiên phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng đang tiếp tục được thảo luận, nhất là giãn, hoãn nộp thuế.

“Chúng ta cũng phải sớm ban hành và thực thi các giải pháp này để vực dậy nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục