Dịch COVID-19: Kiểm soát sớm - doanh nghiệp sản xuất giảm khó khăn

17:05' - 04/03/2020
BNEWS Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Sản xuất, chế biến gỗ tại Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, dịch COVID-19 tác động chủ yếu đến ngành chế biến, chế tạo; cùng với đó là ảnh hưởng tiêu cực đến những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam.

Dự báo, hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ còn gặp khó khăn sang đến quý II/2020. Trước tác động này, các bộ, ngành, doanh nghiệp đang tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Tác động bất lợi

Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 2/2020 ước tính tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày sản xuất trong tháng Hai năm nay nhiều hơn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4% (cùng kỳ năm trước tăng 11,4%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4% (cùng kỳ năm trước tăng 9,3%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9% (cùng kỳ năm trước tăng 6,4%); riêng ngành khai khoáng giảm 3,7% (cùng kỳ năm trước giảm 3,5%).

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút so với thời điểm trước khi có dịch.

Tổng cục Thống kê dẫn chứng, trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước; đó là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,8%; sản xuất đồ uống giảm 3,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,6%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 4,9%...

Cùng với đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng đầu năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là: giày, dép da, alumin thép cán tăng 1,2 đến  2,1%; sắt, thép thô, dầu thô khai thác, phân hỗn hợp NPK, bia, ô tô, đường kính, tivi giảm từ 4,7% đến 16,1%.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm tăng cao như: linh kiện điện thoại tăng 28,9%; thép thanh, thép góc tăng 28,8%; điện thoại di động tăng 25,5% (điện thoại thông minh tăng 3,2%); bột ngọt tăng 18,1%; than tăng 10,3%...

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, như thường lệ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong quý I/2020 đã được các doanh nghiệp nhập khẩu từ cuối năm 2019, do đó vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đủ nguyên liệu duy trì hoạt động sản xuất bình thường. Như vậy, trước mắt, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng từ dịch bệnh trên.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của một số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã bắt đầu chịu tác động tiêu cực. Những doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cao su, nhựa cung cấp cho các dây chuyền lắp ráp ô tô, sản xuất máy móc ở nước ngoài cũng đang gặp khó khi nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia có nhà máy, xưởng sản xuất ở Trung Quốc hoặc có nhập khẩu linh kiện của Trung Quốc tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Gỡ khó kịp thời

Nhận định tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Tổng cục Thống kê dự báo, trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I/2020, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý này chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 và quý I/2018 tăng lần lượt 9% và 10,45%). Trong đó, ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất chỉ tăng 2,38%. Trong khi nếu không có dịch, ngành chế biến, chế tạo dự kiến tăng 10,47%.

Bên cạnh đó, những ngành/sản phẩm chịu nhiều thiệt hại gồm: dệt, may, da, giày với các sản phẩm/nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc như: sợi, vải, bông, xơ, chỉ, da, mũi giày, thiết bị và phụ kiện khác của ngành dệt, da, may.

Cùng đó là các ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học (ngành hiện đóng góp khoảng 18% giá trị gia tăng của toàn ngành công nghiệp) dự kiến quý I/2020 giảm 2,3% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 2,4%). Ngành sản xuất xe có động cơ dự kiến quý I/2020 tăng 6,9% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 9,3%); sản xuất kim loại dự kiến quý I/2020 tăng 5,2% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 9,6%).

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát sớm thì các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ đối diện với khó khăn lớn do có tới 80% nguyên liệu, hóa chất phục vụ ngành cao su-nhựa được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong trường hợp nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát tốt các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại và các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu không được giao nhận thì ngành cao su-nhựa buộc phải tính đến phương án nhập nguyên liệu thay thế từ châu Âu. Tuy nhiên, giá nguyên liệu từ các thị trường này cao hơn nhiều so với Trung Quốc cộng thêm chi phí vận chuyển khá lớn và thời gian vận chuyển lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

Để ổn định sản xuất, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Tổng cục đề xuất Chính phủ cần kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, tập trung vào các mặt hàng hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn, các thị trường chủ yếu; kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu…

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sản xuất, xuất, nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19; đặc biệt là các ngành dệt may, da, điện tử, ô tô, thép, chế biến lương thực, thực phẩm...

Để cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê đề xuất lãnh đạo các sở ngành, đơn vị,... thời gian tới tiếp tục lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để xem xét, đề ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn vượt qua giai đoạn này để ổn định phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, quỹ hỗ trợ chuyển đổi công nghệ; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, tăng cường ý thức kỷ luật cho công nhân, hỗ trợ đào tạo kỹ năng xây dựng chiến lược marketing và mở rộng kênh phân phối cho doanh nghiệp.

Theo đó, các biện pháp hỗ trợ cụ thể như: tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế; miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu; hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống dịch bệnh COVID -19; tuyên truyền người dân kích cầu tiêu dùng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, các các cần chủ động xây dựng kế hoạch, tiếp cận đối tác, các nhà tài trợ, đàm phán vận động thu hút tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo chiều sâu phục vụ các mục tiêu phát triển của ngành.

Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các địa phương cần giải quyết ngay các thủ tục hành chính, các vướng mắc khác có liên quan để có thể khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng, miền và ngành, lĩnh vực.

“Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nhằm khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ, của các cấp, các ngành đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; cung ứng tín dụng đáp ứng yêu cầu sản xuất; cắt giảm lãi suất ngân hàng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống./.

>> Cơ hội cho các doanh nghiệp từ dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục