Dịch COVID-19 “tàn phá” ngành bán lẻ Mỹ nhiều hơn so với khủng hoảng tài chính toàn cầu

06:30' - 16/07/2020
BNEWS Khi cuộc Đại suy thoái ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin tiêu dùng và khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tình hình khi đó không quá “bi đát” đối với các nhà bán lẻ Mỹ như trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Dịch COVID-19 “tàn phá” ngành bán lẻ Mỹ nhiều hơn so với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một phân tích mới công bố của công ty nghiên cứu về lĩnh vực bán lẻ Retail Metrics, thậm chí khi cuộc Đại suy thoái trước đó ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin tiêu dùng và khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ gia tăng thì tình hình khi đó cũng không quá “bi đát” đối với các nhà bán lẻ Mỹ như trong cuộc khủng hoảng hiện nay do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

* Báo động đỏ 

Trong giai đoạn sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu hồi tháng 3/2020, các nhà bán lẻ trên toàn nước Mỹ buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong nhiều tuần để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. 

Tình hình trên đã khiến thu nhập từ hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ Mỹ trong quý I/2020 giảm 57,7% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 71,1% nếu không tính "đại gia" bán lẻ Walmart. Số liệu trên đánh dấu kết quả hoạt động kém nhất kể từ khi Retail Metrics thu thập số liệu về  lợi nhuận của ngành bán lẻ Mỹ từ cuối thập niên 1990. 

Theo Retail Metrics, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ Mỹ trong quý IV/2008 đã giảm 26,6% so với cùng kỳ năm trước đó. Mức giảm hàng quý mạnh nhất này được ghi nhận sau khi thu nhập của ngành bán lẻ Mỹ đã giảm 11,7% trong quý IV/2000 khi “bong bóng" công nghệ "xì hơi". 

Trong bối cảnh mức chệnh lệch lợi nhuận gia tăng trong những năm trước giữa các trung tâm thương mại và các nhà bán lẻ không phải là trung tâm thương mại, sự chênh lệch này tiếp tục tăng mạnh trong quý I/2020 khi các nhà bán lẻ ở những trung tâm thương mại đã phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Thu nhập của các chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ ở Mỹ đã giảm 626% trong quý I/2020, trong khi số liệu tương tự của các nhà bán lẻ không thuộc các trung tâm thương mại giảm 26% trong cùng kỳ. 

Do tình trạng các cửa hàng đóng cửa hàng loạt và doanh thu sụt  giảm do dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã thực hiện những biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm cho người lao động nghỉ việc tạm thời, đóng cửa dài hạn các cửa hàng và tăng cường dịch vụ bán hàng trực tuyến và giao hàng tới tận cửa cho khách hàng.

Tuy vậy, các biện pháp tiết kiệm chi phí này sẽ là không đủ để một số nhà bán lẻ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Mỹ đang nỗ lực tồn tại và tích cực điều chỉnh hoạt động phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng hiện nay đã gia tăng sức ép rất lớn đối với ngành bán lẻ Mỹ. 

Retail Metrics đã liệt kê danh sách gồm tất cả doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản hay cảnh báo nguy cơ phá sản kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Trong số các doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản hay có nguy cơ mất thanh khoản có Modell’s Sporting Goods, True Religion, Roots USA, J. Crew, Gold’s Gym, Neiman-Marcus, Lord & Taylor, Stage Stores, JC Penney.

Ngoài ra, Tuesday Morning, RTW Retailwinds, GNC Inc., Chuck E. Cheese, Lucky Brands, Brooks Brothers và Sur La Table cũng có tên trong danh sách trên. 

Những cái tên trong ngành bán lẻ Mỹ đang ở tình trạng “ngấp nghé” nguy cơ phá sản có Ascena Retail Group, Francesca’s và Tailored Brands. Trong khi đó, các nhà bán lẻ đã đưa ra những thông báo đáng quan ngại về tình hình hoạt động gồm có J. Jill, SteinMart, Francesca’s, RTW Retailwinds, CBL & Associates.

Một chi nhánh của Amazon tại New York, Mỹ ngày 30/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

* Đại gia cũng "sập tiệm"

Hãng bán lẻ Muji U.S.A Ltd tại Mỹ - công ty con của tập đoàn Muji (Nhật Bản) vốn nổi danh về trang thiết bị gia đình theo phong cách tối giản - ngày 10/7 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trở thành công ty mới nhất gia nhập danh sách ngày càng dài các doanh nghiệp “sập tiệm” vì dịch COVID-19. 

Muji U.S.A Ltd, do Ryohin Keikaku Co. điều hành, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại một tòa án ở Delaware (Mỹ). Trong một thông báo riêng, Ryohin Keikaku cho hay Muji U.S.A. đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản do ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng đóng cửa ngừng hoạt động vì dịch COVID-19. 

Muji U.S.A Ltd trong thời gian qua đã phải “vật lộn” với những thiệt hại tài chính do tiền thuê mặt bằng cao cùng với các chi phí khác và đã phải thực hiện các biện pháp để cải thiện doanh số và đàm phán lại tiền thuê mặt bằng trước khi dịch COVID-19 bùng phát và gây ra những tác động bất lợi đối với doanh nghiệp này. 

Như vậy, Muji U.S.A Ltd đã gia nhập danh sách hơn 110 doanh nghiệp tuyên bố phá sản tại Mỹ kể từ đầu năm 2020 đến nay và những công ty này đều cho rằng kết quả trên một phần là do cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Theo giới phân tích dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà bán lẻ trên toàn cầu khi các cửa hàng phải đóng cửa như một phần nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh này lan rộng. Doanh số hàng tháng của các cửa hàng tại Nhật Bản của Ryohin Keikaku đã giảm khoảng 50% khi Tokyo tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong hai tháng 4-5/2020 do dịch COVID-19. 

Trong tài khóa 2019 (kết thúc vào tháng 9/2019), doanh thu của toàn bộ 19 cửa hàng tại Mỹ chiếm khoảng 2,5% tổng doanh thu của Ryohin Keikaku. “Mảng” kinh doanh tại Mỹ của Ryohin Keikaku đã thua lỗ trong 3 tài khóa vừa qua, trong đó tài khóa 2019 ghi nhận mức lỗ khoảng 10 triệu USD.

Trước đó, Brooks Brothers, hãng bán lẻ hàng may mặc dành cho nam giới có “tuổi đời” lên tới 200 năm và chịu trách nhiệm cung cấp trang phục cho 40 đời Tổng thống Mỹ, đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật phá sản của Mỹ vào ngày 8/7 tại một tòa án ở Delaware (Mỹ).

Hồi tháng 6/2020, Brooks Brothers cảnh báo sẽ sa thải gần 700 lao động của doanh nghiệp đang làm việc tại 3 bang của Mỹ và đang tìm kiếm các doanh nghiệp hay tổ chức muốn mua lại Brooks Brothers, do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của công ty này. 

Brooks Brothers đang tiến hành đánh giá các lựa chọn chiến lược khác nhau, bao gồm cả khả năng bán lại doanh nghiệp. Tuy vậy, Brooks Brothers hiện gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các tổ chức hay doanh nghiệp muốn mua lại công ty này.

Hãng bán lẻ này đang triển khai việc đóng cửa 20% trong số 250 cửa hàng tại Mỹ. Theo một người phát ngôn của Brooks Brothers, mục đích của việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản nói trên là nhằm tìm các nguồn tài chính bổ sung và xúc tiến quá trình bán lại doanh nghiệp theo cách có hiệu quả nhằm tối đa hóa giá trị vì các cổ đông cũng như đảm bảo thương hiệu có tính biểu tượng này được chủ sở hữu mới tiếp tục duy trì.

Hãng này đã lâm vào tình trạng khó khăn trong thời gian qua khi nhu cầu đối với trang phục dành giới thương nhân không còn cao như trước. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn đối với Brook Brothers khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát đã khiến nhu cầu đối với các bộ Âu phục sụt giảm. Nhiều lao động làm việc từ xa hoặc tại nhà thường lựa chọn trang phục đơn giản, thoải mái, thay vì các trang phục công sở. 

Theo ông Neil Saunders, Giám đốc quản lý GlobalData Retail, Brook Brothers lâu nay đã gặp khó khăn do chưa thể thích ứng với sự thay đổi về xu hướng của người tiêu dùng ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng kinh doanh hàng may mặc nói chung và doanh nghiệp này nói riêng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục