Dịch do virus Corona: Đừng “thừa nước đục thả câu”

17:16' - 15/02/2020
BNEWS Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) đang diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhân dân cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiều địa phương lập đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp kiểm tra khu vực đường dẫn cách ly tại Trung tâm Y tế. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng - TTXVN

Giữa “cơn bão dịch bệnh”, khi Chính phủ cùng nhân dân xác định chung tay “chống dịch như chống giặc”, tập trung ưu tiên phòng, chống và kiểm soát dịch cũng như tìm các giải pháp khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, thì trên mạng xã hội lại xuất hiện những thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, cố ý “thừa nước đục thả câu”, kích động, gây hoang mang cho người dân, đặc biệt là người lao động tại một số khu công nghiệp, khiến họ lo lắng quá mức, thậm chí nghỉ việc, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình họ, cũng như sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và địa phương.
Thời gian vừa qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều cá nhân đã tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch trên mạng xã hội, kiểu như: “Đã có người nhiễm bệnh virus Corona tại địa phương”, “ngay bên cạnh bạn có người đã nhiễm bệnh, cần hành động gấp” hay “có trường hợp người Trung Quốc tử vong tại khu công nghiệp, lưu ý mọi người phải cẩn thận”...
Giữa “cơn bão dịch bệnh”, những thông tin thiếu kiểm chứng về dịch bệnh như trên lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, tác động lớn đến tâm lý người dân, gây hoang mang trong cộng đồng.

Ở tâm thế lo âu, sợ hãi, mọi thông tin không tốt về tình hình dịch bệnh, dù đúng hay sai, đều tác động mạnh đến tinh thần của người dân, dẫn tới phản ứng khó kiểm soát, thậm chí có hành vi tiêu cực, nhất là tại các khu công nghiệp nơi có lực lượng rất lớn người lao động Việt Nam và nước ngoài.

Đơn cử một ví dụ vào trưa ngày 4/2, hàng ngàn công nhân của một công ty tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã ngừng việc tập thể với lí do sợ bị lây nhiễm dịch bệnh do virus Corona từ những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại công ty.

Dù thực tế đến thời điểm đó chưa phát hiện trường hợp chuyên gia người nước ngoài nào bị nhiễm bệnh.
Qua làm việc với cơ quan chức năng, một số công nhân của công ty này cho biết lý do nghỉ việc là do lo sợ bị lây dịch bệnh do virus Corona từ các chuyên gia nước ngoài.

Sau khi nghe cơ quan chức năng và lãnh đạo công ty giải thích, các công nhân đã trở lại nhà máy làm việc.

Dẫu vậy, việc các công nhân đồng loạt nghỉ việc đột ngột đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bị gián đoạn.
Nhằm ngăn chặn những tin tức giả mạo, sai lệch về tình hình dịch bệnh, và xa hơn là hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, những hệ lụy không đáng có đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm những người phát tán tin giả, thiếu kiểm chứng, gây nhiễu loạn thông tin.
Những “đồn thổi” thất thiệt về tình hình dịch bệnh cũng diễn ra ở một số khu công nghiệp tại các địa phương khác.

Cơ quan chức năng làm việc với cá nhân có hành vi tung tin sai sự thật về việc nhiễm cúm do virus Corona trên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 4/2, Công an tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản, xử phạt hành chính Trần Thị Thu Th. chủ tài khoản facebook "Trần Tinh Nghĩa" đã chia sẻ bài viết có nội dung thông tin sai sự thật: Tại Công ty Pousung (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) có chuyên gia người Trung Quốc bị mắc bệnh; đồng thời  kêu gọi công nhân nghỉ việc.

Ngày 3/2, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, đã xử phạt hành chính Mai Thị H. - công nhân Công ty giầy Venus, chủ tài khoản “Phạm Hải Yến” với những thông tin sai sự thật về virus Corona trên facebook cá nhân để kích động công nhân Công ty giầy Venus trên địa bàn huyện nghỉ việc.

Tại cơ quan chức năng, trong những ngày đầu tháng 2 này, Mai Thị H. và Trần Thị Thu Th. đều thừa nhận đã đăng tải thông tin sai sự thật, gỡ bỏ bài viết và cam kết không tái phạm…
Bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra, sáng 14/2, thông tin từ Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho thấy tín hiệu đáng mừng khi có khoảng 98% số công nhân, người lao động của cả nước đã quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó cũng còn nhiều nỗi lo, bởi tình hình sản xuất kinh doanh tại không ít công ty, xí nghiệp, nhà máy có người nước ngoài làm công tác quản lý, kỹ thuật, chuyên gia, đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị đình trệ, bởi những lao động này chưa biết khi nào quay trở lại làm việc do tác động của dịch COVID-19.

Trước mắt, theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến cáo các chủ doanh nghiệp tìm nhân lực khác thay thế vào những vị trí này. Đây là một thách thức mà các doanh nghiệp khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai, mặt khác lại là cơ hội cho lao động Việt Nam nếu đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn, tay nghề.
Virus Corona 2019 có tốc độ lây nhiễm rất nhanh và tại thời điểm này chưa có vaccine để phòng bệnh. Điều này đã và đang ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh hệ thống chính trị và người dân đang làm hết sức mình để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của cộng động và bước đầu Việt Nam đã làm được điều này (trong tổng số 16 ca lây nhiễm được phát hiện đến ngày 15/2 đã có 7 ca được chữa khỏi, các ca còn lại đã được cách ly điều trị và tiến triển tốt) thì một số đối tượng lại lợi dụng dịch bệnh để tung tin giả với mục đích trục lợi hoặc kích động gây rối, thậm chí phá hoại sản xuất kinh doanh.

Nói một cách khác, những ngày qua cộng đồng cùng lúc vừa phải dốc sức ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ung, lại vừa phải oằn mình chống lại sự xâm nhập của “virus tin giả”.

Virus Corona không đáng sợ bằng sự dối lừa mà những kẻ cơ hội mang mặt nạ của những người “có trách nhiệm với cộng đồng” gieo rắc trong những ngày qua. Vaccine phòng dịch COVID-19 chắc chắn sẽ được các nhà khoa học tìm ra và những kẻ “thừa nước đục thả câu” để tạo ra “dịch tin giả” sớm muộn cũng sẽ được đưa ra trước ánh sáng của sự thật và công lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục