Điểm lại thị trường nông sản Mỹ tuần qua

08:14' - 20/01/2020
BNEWS Giá nông sản Mỹ trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) biến động trái chiều trong tuần giao dịch kết thúc vào ngày 17/1.

Diễn biến này có được sau khi Mỹ thông qua một loạt thỏa thuận thương mại quan trọng với các đối tác chính như Trung Quốc, Canada và Mexico.

Điểm lại thị trường nông sản Mỹ tuần qua. Ảnh: TTXVN phát 
Theo đó, giá ngô giao tháng 3/2020 tăng 0,9% lên 3,8925 USD/bushel, giá lúa mỳ giao tháng 3/2020 tăng 1,1% lên 5,705 USD/bushel còn giá đậu tương giao tháng 3/2020 lại giảm 1,71% xuống còn 9,2975 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Ngày 15/1, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận giai đoạn một vốn đã được chờ đợi từ lâu. Sau đó chỉ một ngày, Thượng viện Mỹ lại tiếp tục thông qua Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ phiên bản mới với Canada và Mexico gọi tắt là USMCA sau khi nhận được sự chấp thuận của Hạ viện vào tháng 12/2019.

Giới thương nhân đã kỳ vọng rằng thỏa thuận "đình chiến" giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp cải thiện đáng kể doanh số bán nông sản của Mỹ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, CBOT lại chưa ghi nhận sự thay đổi đột biến ngay lập tức nào, bởi các chuyên gia cho rằng việc  "đình chiến" này đã được đoán định từ lâu.

Theo dữ liệu từ CBOT, giá giao dịch của đậu tương trong các hợp đồng tương lai đã tăng khoảng 70 xu Mỹ kể từ sáu tuần trước và con số này đã giảm đến hai chữ số trong phiên giao dịch ngày 15/1, cho thấy hiện giá đậu tương đã ở xung quang ngưỡng “đỉnh”, Phó Chủ tịch Oliver Sloup của công ty giao dịch Blue Line Futures cho biết.  

Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng nguyên nhân là do thị trường cạnh tranh hơn, với sự xuất hiện của các loại nông sản đến từ Nam Mỹ, đồng thời bày tỏ sự quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường thu mua đậu tương Mỹ, đặc biệt là khi vụ thu hoạch mới tại Brazil sẽ bắt đầu vào tháng Hai.

Mexico và Canada là hai thị trường xuất khẩu ngô lớn nhất của Mỹ. trong khi Mexico là thị trường xuất khẩu đậu tương, bột và dầu lớn thứ hai của nền kinh tế số một thế giới. Trong khi đó, các nhà máy xay xát tại Mexico cũng nhập khẩu lúa mỳ của Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, theo số liệu từ Hiệp hội Lúa mì Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục