Điện hạt nhân - vấn đề "nóng" ở châu Âu

10:31' - 02/09/2024
BNEWS Theo Bộ trưởng Năng lượng Albert Rösti, Thụy Sĩ có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới ở những khu vực đang được khai thác.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ SonntagsBlick ngày 1/9, Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sĩ Albert Rösti đã đưa ra đánh giá về chiến lược điện hạt nhân ở nước này, cho rằng có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới ở những khu vực đang được khai thác.

Bộ trưởng Albert Rösti đánh giá: “Việc xây dựng ở địa điểm mới có thể vấp phải sự phản đối của dư luận. Trong khi đó, dân cư ở vùng Leibstadt thuộc bang Aargau, nơi có nhà máy điện hạt nhân của Thụy Sĩ, đã quen trong hàng chục năm qua và có cái nhìn tích cực về vấn đề này”.

 
Bên cạnh đó, ông cũng bác bỏ ý kiến cho rằng chính sách của Thụy Sĩ không phù hợp với các lợi ích của châu Âu.

Hiện Chính phủ Thụy Sĩ hay các tập đoàn năng lượng chưa có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Rösti cho biết ông chỉ muốn chính phủ có sự chủ động trong vấn đề liên quan tới phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới. Năm 2017, cử tri Thụy Sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.

Và theo Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sĩ, chỉ có người dân nước này mới có thể thay đổi được luật hiện nay. Do đó, chính phủ cần phải dự đoán các tình huống mới và đưa ra các đề xuất với người dân.

Thời gian qua, quan điểm của người dân Thụy Sĩ về điện hạt nhân đã có những thay đổi, cụ thể là sau cuộc xung đột ở Ukraine hay mục tiêu trung hòa carbon. Hiện cũng có nguồn tin cho rằng Chính phủ Thụy Sĩ coi điện hạt nhân là lựa chọn lâu dài cho nước này. Dự kiến, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ đệ trình đề xuất sửa đổi luật hạt nhân vào cuối năm 2024 để có thể đưa ra tranh luận tại Quốc hội vào năm tới.

Năm 2019, Thụy Sĩ chính thức đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Muhleberg sau 47 năm vận hành. Đây là một trong 4 nhà máy điện hạt nhân và cũng là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên chấm dứt hoạt động quốc gia Bắc Âu này. Việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Muhleberg nằm trong kế hoạch từng bước xóa bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân được Chính phủ Thụy Sĩ đưa ra kể từ sau sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản do thảm họa sóng thần hồi tháng 3/2011. Tuy nhiên, cho đến nay, Thụy Sĩ chưa công bố lộ trình cụ thể đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân còn lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục