Điện mặt trời mái nhà vẫn trông chờ hướng dẫn

10:33' - 14/09/2020
BNEWS Trong các văn bản đã quy định rõ hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ sẽ có hướng dẫn để ký hợp đồng mua bán điện cho các hệ thống theo các tiêu chí đã đặt ra

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào các dự án điện mặt trời mái nhà để hưởng ưu đãi về giá theo Quyết định số 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.

Tuy nhiên, các dự án điện mặt trời mái nhà khi hoàn thành vẫn gặp khó trong ký hợp đồng mua bán điện do phải chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương.  

Mới đây, theo văn bản kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn này đã đề nghị Bộ Công Thương và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn xử lý vướng mắc về việc phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời mặt đất nối lưới.

Theo đó, EVN nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận.

Một trang trại nông nghiệp hữu cơ ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận rộng trên 20 ha được UBND huyện Ninh Phước cấp giấy phép kinh doanh với ngành nghề trồng nông sản, chăn nuôi để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chủ trang trại đang cho một số công ty khác thuê lại đất và cơ sở hạ tầng để canh tác, kết hợp lắp đặt các hệ thống điện mặt trời có công suất dưới 1 MW, đấu nối cấp điện áp 22 kV phục vụ nhu cầu sản xuất và bán điện lên lưới điện quốc gia.

Đến nay, hầu hết hệ thống có các tấm pin quang điện được lắp đặt trực tiếp trên khung đỡ làm mái che cho khu vực đường giao thông nội bộ và trên khung công trình có lớp lưới che phủ khu vực canh tác.

Công ty Điện lực Ninh Thuận lắp đặt công tơ hai chiều để ghi nhận sản lượng phát lên lưới nhưng chưa thể thực hiện ký hợp đồng và thanh toán tiền điện mua từ hệ thống điện mặt trời. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp khó trong vấn đề này.

Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, khó đánh giá 1 dự án điện mặt trời trang trại là mái nhà.

Theo như trong Quyết định số 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hay Thông tư 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, các dự án phải có mái nhà, công suất dưới 1 MWp, đấu nối vào lưới 35 kV trở xuống để đảm bảo các dự án nằm ở ngưỡng điện phân phối.

Nhiều trường hợp chủ đầu tư chia ra nhiều dự án nhỏ dưới 1 MWp thì khó đánh giá. 

“Chúng ta đang có sự không rõ ràng về thẩm quyền. Như ở điện lực địa phương tạo thuận lợi tốt nhất cho điện mặt trời mái nhà. Họ căn cứ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật như: dưới 1 MWp, đấu nối vào cấp lưới 35 kV và có mái nhà, để xác định là điện mặt trời mái nhà.

Còn ký hợp đồng mua bán điện, chi trả tiền điện vẫn đang gặp khó do thiếu hướng dẫn. Vấn đề này phải phân rõ chức năng giữa các sở, ban, ngành để có quy định rõ ràng, cụ thể, các trang trại này có là điện mái nhà hay không...”, ông Sơn nói.

Thời gian vừa qua, không ít các nhà đầu tư đã hoàn thành các yêu cầu, tiêu chí để lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, kể cả trong trường hợp trang trại, như: các thủ tục đấu nối, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong trường hợp đó, sẽ rất khó để loại họ ra khỏi diện điện mặt trời mái nhà.

Ông Sơn cho hay, có các chủ đầu tư khác cũng đầu tư nhưng thiếu hiểu biết, sẽ phụ thuộc nhiều vào đề xuất sắp tới của Bộ Công Thương và quyết định của Chính phủ. Nếu không được xem xét là điện mặt trời mái nhà thì phải đưa vào hình thức trang trại, bổ sung quy hoạch.

“Trường hợp này phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp nhận lưới điện tại chỗ, vì doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời trang trại như vậy sẽ phát trực tiếp lên lưới, Bộ Công Thương và EVN sẽ phải đánh giá lại để xem có đặc thù nào và áp mức giá nào.”, ông Hà Đăng Sơn nêu.

Mới đây, EVN cũng đã ra mắt nền tảng, trang web đặc biệt cho điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà, các khu vực, công suất, khả năng tải ra sao... Đây là những thông tin tạo điều kiện tốt cho các chủ đầu tư để họ biết và cân nhắc, trong khi chờ những hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Công Thương.  

Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, theo báo cáo của EVN, có nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa được ký hợp đồng; trong đó, có 2 nhóm: nhóm xây dựng và lắp đặt chưa đúng tiêu chí điện mặt trời mái nhà.

Thứ 2 là nhóm các công ty điện lực tỉnh chưa xác định rõ thế nào là đúng quy định của  Thông tư 18/2020/TT-BCT và Quyết định số 13/QĐ-TTg. 

“Trong các văn bản trên đã quy định rõ hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, thời gian tới đây, Bộ sẽ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và EVN để ký hợp đồng mua bán điện cho các hệ thống đầu tư đúng theo các tiêu chí đã đặt ra”, ông Quân nói.

Theo Bộ Công Thương, cơ quan này đang tổng hợp thêm các ý kiến từ các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từ đó, đưa ra hướng dẫn cụ thể, giúp cho việc đầu tư điện mặt trời là một định hướng rất đúng đắn của Đảng, Chính phủ và cũng đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục