Đình công tại các cảng của Mỹ làm gián đoạn thương mại hàng hải toàn cầu

08:50' - 02/10/2024
BNEWS Chuỗi cung ứng đường biển một lần nữa bị đe dọa gián đoạn nghiêm trọng với cuộc đình công lớn của khoảng 45.000 nhân viên cảng trên toàn bộ bờ biển phía Đông nước Mỹ.

Cuộc đình công này diễn ra từ Maine đến Texas, gây ra tranh chấp lao động lớn nhất kể từ năm 1977 khiến các bến tàu của 36 cảng bị ảnh hưởng.

 

Những hậu quả đối với giao thông hàng hải quốc tế có thể sẽ rất đáng kể. Công ty tư vấn tàu biển Eesea của Đan Mạch đã thống kê có 260 tàu container dự kiến sẽ đến các cảng bị ảnh hưởng trong 7 ngày tới. Công ty cho biết, việc ngừng hoạt động dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tất cả các loại tàu thương mại. Tình trạng ùn tắc tàu dọc theo Bờ Đông nước Mỹ dự kiến sẽ xảy ra.

Cuộc đình công lớn cũng ảnh hưởng đến các công ty hậu cần châu Âu. Người phát ngôn của Hapag-Lloyd cho biết, cuộc đình công sẽ có tác động đáng kể đến các dịch vụ cập cảng. Michael Aldwell, thành viên hội đồng quản trị vận tải đường biển tại công ty vận tải biển lớn nhất thế giới Kühne+Nagel, dự báo: “Cứ mỗi ngày ách tắc sẽ cần 5-7 ngày để giải quyết tồn đọng sau khi các bến cảng mở cửa trở lại”.

Công ty vận tải Đan Mạch Maersk đã cảnh báo khách hàng ngày 1/10 rằng sự gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và dẫn đến sự chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa, dẫn đến chi phí tăng cao  hơn.

Tổ chức này cho biết tại Copenhagen: “Tranh chấp lao động kéo dài có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn và ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, lượng container sẵn có và hiệu quả hoạt động tổng thể”.

Ngân hàng HSBC dự báo rằng ngay cả khi cuộc đình công chỉ kéo dài một tuần, việc ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới 1,7% năng lực vận chuyển toàn cầu.

Đình công sẽ dẫn đến việc thiếu khoảng 500.000 container tiêu chuẩn (TEU) do các tàu neo đậu trong thời gian gián đoạn. Để so sánh, việc chuyển hướng các tàu container đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng để tránh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ hiện đang làm giảm năng lực vận chuyển hàng hóa đường biển trên thế giới khoảng 6%.

Các nhà phân tích tại JP Morgan ước tính cuộc đình công có thể khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại từ 3,8 tỷ đến 4,5 tỷ USD mỗi ngày, mặc dù một phần trong số đó sẽ được bù đắp khi hoạt động bình thường trở lại. Hàng hoá tiêu dùng có thể sẽ thiếu và giá cả tăng cao hơn.

Các công ty ô tô Đức như Volkswagen, Mercedes và BMW nằm ở phía Đông Nam nước Mỹ nên bị phụ thuộc vào việc giao hàng đến các cảng địa phương.

Các cảng lớn ở châu Á và Trung Quốc sẽ buộc phải tạm dừng hoạt động nếu không có thêm tàu từ Mỹ đến. Và khi giao thông bắt đầu trở lại, sẽ xảy ra ùn tắc, từ đó tạo ra sự chậm trễ hơn nữa và giá cước vận tải trên toàn thế giới tăng cao.

Nhà kinh tế thương mại Vincent Stamer ở Commerzbank cũng giải thích rằng người tiêu dùng khó có thể cảm nhận được nhiều về một cuộc đình công ngắn hạn, diễn ra trong một ngày nhưng “nếu tình trạng bế tắc kéo dài lâu hơn, nó sẽ gây ra hậu quả lớn cho chuỗi cung ứng. Việc chuyển hướng tất cả hàng hóa có lẽ là không thể do số lượng quá lớn”.

Cuộc đình công lại một lần nữa tấn công mạng lưới vận tải biển vào thời điểm mạng lưới này vẫn chưa phục hồi sau hậu quả của các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ. Giá cước vận tải giao ngay toàn cầu vẫn cao gấp ba lần so với trước đại dịch.

Theo các chuyên gia, Đức cũng sẽ "bị vạ lây". Chủ tịch Wifo Felbermayr cảnh báo: “Đây rõ ràng là một đòn giáng khác đối với nền kinh tế xuất khẩu của Đức và ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi xuất khẩu sang Mỹ hiện là một trong số ít điểm sáng cho nền kinh tế Đức đang suy thoái“.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục