Định hướng phát triển chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh ngành trồng trọt

17:11' - 25/01/2024
BNEWS Trồng trọt có bước tiến quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu với số lượng, chất lượng ngày càng tăng.

Với định hướng phát triển theo chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, lần đầu tiên ngành trồng trọt đã có một chiến lược phát triển.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về việc thực hiện Chiến lược Phát triển trồng trọt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

BNEWS: Xin ông cho biết, ngành trồng trọt sẽ thực hiện Chiến lược như thế nào để phát huy tiềm năng của ngành?

Ông Nguyễn Như Cường: Ngành sẽ chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát triển sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển hợp tác xã theo định hướng thị trường trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Sản xuất trồng trọt sẽ đặt trong mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, tăng trưởng xanh, phát thải thấp phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; bảo đảm an ninh lương thực; hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là làm thế nào để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên.

 

Phát triển các cây trồng lợi thế của vùng gắn với bảo tồn giống cây trồng đặc sản, bảo vệ di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

Đến năm 2050, các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.

Khi không còn quy hoạch ngành hàng, chiến lược đã đưa ra định hướng phát triển cụ thể một số cây trồng chủ lực như: lúa gạo, rau, ngô, sắn, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, cây ăn quả... gắn với các vùng sinh thái. Theo đó là các đề án cụ thể, đây là cơ sở để ngành chỉ đạo sản xuất. Các địa phương cũng có căn cứ để có kế hoạch phát triển cũng như khai thác lợi thế, giá trị cây trồng.

Thu hoạch rau màu ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN
BNEWS: Vậy doanh nghiệp sẽ được phát huy thế nào để khẳng định vị trí cũng như đưa Việt Nam thành một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Doanh nghiệp là trung tâm, là động lực, đầu tàu kéo quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị. Khi xác định và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác xã, liên kết, áp dụng khoa học công nghệ, khai thác đa giá trị, kinh tế số cũng như sản xuất giảm phát thải.

Ngoài các chính sách thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, ngành trồng trọt sẽ phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại, tạo thêm động lực thu hút doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trên cơ sở hợp đồng tạo điều kiện thuận lợi để cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Trồng trọt sẽ phải đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị trước hết đối với sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hình thành, phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh tại một số vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản.

Để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm trồng trọt cũng như đạt được mục tiêu xuất khẩu 26 tỷ USD vào năm 2030, việc phát triển và áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Điều này nhằm giảm tổn thất nông sản cả về số lượng, chất lượng sẽ được chú trọng, đặc biệt là công nghệ bảo quản lạnh.

Không chỉ trong sản xuất, chế biến, ngành khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu sản xuất giống theo hướng công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh liên kết công tư trong nghiên cứu, sản xuất cung ứng hạt giống cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm.

BNEWS: Ngành trồng trọt đã có Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Thời gian tới, ngành có định hướng mở rộng sản xuất xanh ra các sản phẩm cây trồng chủ lực khác như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là đề án đầu tiên của ngành trồng trọt cũng có thế nói là đề án thí điểm trong các cây trồng theo hướng sản xuất giảm phát thải.  Trong quá trình thực hiện, ngành sẽ có những đánh giá từng giai đoạn để qua đó có những bài học kinh nghiệm để mở rộng ra các vùng sản xuất lúa khác.

Cũng trên cơ sở đó trong tương lai có thể xây dựng các đề án với các cây trồng chính khác có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Với xu hướng sản xuất xanh, ngành sẽ xây dựng và quảng bá các mô hình sản xuất VietGAP, mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, sản xuất kết hợp với du lịch sinh thái…

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục