Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt
Việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực kinh tế trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu.
Do vậy, để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kỳ mới, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại Toạ đàm "Định vị & Nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập" do Cục Xúc tiến thương mại kết hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tổ chức ngày 29/12 tại Hà Nội. Đây là chương trình đối thoại mở và đa chiều được tổ chức trong bối cảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam đang có nhiều thuận lợi song hành thách thức khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ông Vũ Bá Phú, trong quá trình hội nhập, từ rất sớm Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Vì vậy, từ năm 2003 Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Điều này thể hiện quyết tâm điều hành hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp.Từ đó khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau 17 năm thực hiện, ông Vũ Bá Phú cho hay số doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 124 doanh nghiệp năm 2020.
Những con số này khẳng định đầy thuyết phục về chất lượng ngày càng được cải thiện của hàng hoá, dịch vụ Việt Nam. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng ngày càng chiếm lĩnh vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế dù gặp phải không ít khó khăn thách thức.
Đặc biệt, 124 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2020 có kết quả kinh doanh ấn tượng, tổng doanh thu năm 2019 khoảng 1.430 nghìn tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu 137 nghìn tỷ đồng, đóng góp lớn vào an sinh xã hội. Báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance cho thấy, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới, với 29% lên đến 319 tỷ USD. Thứ hạng cũng tăng 9 bậc (từ 42 lên 33) so với năm 2019. Đây là một dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến triển vọng GDP, lạm phát và bất ổn kinh tế của tất cả các nước trên thế giới.Việt Nam được đánh giá cao nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, kịp thời cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
“Thời gian tới, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ tiếp tục làm rất nhiều việc nhằm có thêm các doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn thương hiệu quốc gia.Cùng với đó là nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không thể thiếu yếu tố thiết kế. Do vậy, Cục Xúc tiến Thương mại đã hợp tác với Viện Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc để triển khai hoạt động này”. Ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Theo Bộ Công Thương, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 nhằm mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới trong quá trình hội nhập... Tại toạ đàm, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, để được công nhận là thương hiệu quốc gia thì đó phải là doanh nghiệp Việt Nam và sản xuất ra sản phẩm tại Việt Nam với ít nhất 51% cấu thành sản phẩm là từ các yếu tố trong nước. Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia nói riêng cũng như thương hiệu sản phẩm nói chung để đẩy mạnh hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia đã sớm có "tên tuổi" trên thị trường quốc tế. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp và khai thác rất mạnh mẽ các giá trị này như Đức, Nhật, Hàn Quốc...Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua 17 năm triển khai chương trình Thương hiệu Quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần chinh phục.
Để các sản phẩm, hàng hoá Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng rất cần một chính sách rõ ràng để định nghĩa rõ ràng về sản phẩm của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, Bộ Công Thương đang xây dựng một Nghị định để làm rõ vấn đề này. Trong Nghị định này, tất cả các khái niệm Made in Vietnam, Made by Vietnam và Make in Vietnam sẽ được làm rõ. Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse chia sẻ: Bản chất các doanh nghiệp đều vận hành theo một chuỗi giá trị.Từ nguyên liệu đầu vào, quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo và marketing, phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng…
Thông thường, việc phát triển thương hiệu chiếm khoảng 30% trong tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Thương hiệu chính là một hệ thống quản lý chất lượng và quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu lớn sẽ là một quốc gia thịnh vượng.
Là một doanh nghiệp về lĩnh vực vật liệu xây dựng hiện xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 60 nước, theo ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Công ty Secoin, quốc tế đánh giá thương hiệu một doanh nghiệp là tiêu chí 2 chữ D.Đó là Develop (phát triển) và Design (thiết kế); trong đó, yếu tố thiết kế phải phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại thị trường mà hàng hoá của doanh nghiệp đó được tiêu thụ.
Để làm được việc này, các sản phẩm vật liệu xây dựng của Secoin phải được thiết kế không theo ý thức chủ quan mà phải dựa trên thực tiễn của thị trường xuất khẩu.Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Secoin đều mang thương hiệu của mình. Song để khẳng định vị thế Secoin đã phải thuyết phục các đối tác nước ngoài phải cho phép ghi vào dòng chữ “Made by Secoin Vietnam”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV khẳng định, thương hiệu phải gắn với tầm nhìn. Toàn cầu hoá với mọi doanh nghiệp không thể có ngay lập tức và quan trọng là phải thích nghi với hệ sinh thái toàn cầu hoá.Ông cũng cho biết là nếu doanh nghiệp muốn học hỏi các thương hiệu đã thành công thì về cơ bản sẽ không học được gì.
Nguyên nhân vì mỗi quốc gia và doanh nghiệp đều có những đặc thù, bản sắc riêng. Vì thế, học hỏi kinh nghiệm tuy là điều cần thiết những mỗi doanh nghiệp đều phải xây dựng thương hiệu mang đặc thù, bản sắc riêng của mình.
Đại diện cho doanh nghiệp mới được công nhận đạt thương hiệu quốc gia năm 2020, bà Phạm Thị Kim Loan - Chủ tịch Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Ngân Hà cho rằng, khi vươn ra thị trường nước ngoài, việc đầu tiên của các doanh nghiệp Việt Nam là phải đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp cho sản phẩm của mình ở nước sở tại.Giá trị thương hiệu quốc gia với các doanh nghiệp không phải là một giải thưởng mà chính là chứng nhận quy trình quản lý chất lượng sản phẩm./.
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Vinh danh 50 thương hiệu Việt Nam dẫn đầu 2020
19:15' - 17/12/2020
Chiều 17/12, Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức Hội nghị "Xây dựng thương hiệu thời COVID-19", đồng thời thực hiện Lễ vinh danh "50 thương hiệu Việt Nam dẫn đầu 2020" tại Tp. Hồ Chí Minh.
-
Hàng hoá
Thương hiệu Việt Nam khẳng định chỗ đứng trên thị trường Nga
08:09' - 25/09/2020
Theo các doanh nghiệp Nga, thương hiệu Việt Nam đã phổ biến, được ưa chuộng và khẳng định được chất lượng trong cuộc cạnh tranh tại các siêu thị cũng như nhà hàng tại xứ sở Bạch Dương.
-
Kinh tế Việt Nam
Vietjet được ghi nhận là Thương hiệu Việt Nam truyền cảm hứng toàn cầu
09:03' - 25/07/2020
Vietjet được ghi nhận bởi những thành tựu và vị thế tiên phong trong việc phát triển mạng bay với các hoạt động sáng tạo, ý nghĩa và có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Sandbox Fintech mở thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
19:45'
Các giải pháp được phát triển thông qua đổi mới công nghệ, đặc biệt với sự hỗ trợ của sandbox sẽ giúp nâng khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nhỏ và người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn
-
Doanh nghiệp
Nhiều giải pháp công nghệ tiến tiến sẵn sàng cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam
16:41'
Về phía Bộ Xây dựng hoan nghênh khung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn 3M trong việc đưa các giải pháp công nghệ vào phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam.
-
Doanh nghiệp
Đưa AI ngôn ngữ Việt ra “sân chơi” toàn cầu
14:55'
Viện Ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI) đã công bố mô hình hiểu tài liệu thị giác CATI-VLM, được phát triển từ kho dữ liệu lớn 5TB. Mô hình này đã xuất sắc lọt Top 12 thế giới.
-
Doanh nghiệp
Tổng công suất lắp đặt điện Mặt Trời của Trung Quốc vượt mốc 1 tỷ kW
12:02'
Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh xây dựng 9 cơ sở năng lượng sạch trọng điểm.
-
Doanh nghiệp
Cổ phiếu Tesla lao dốc trước nguy cơ bị cắt trợ cấp
12:00'
Cuộc đối đầu này không chỉ ảnh hưởng đến Tesla. Cổ phiếu của các hãng xe điện khác như Rivian và Lucid cũng lần lượt giảm 2% và 3,8% trong phiên giao dịch ngày 1/7.
-
Doanh nghiệp
C.P. Việt Nam thông tin về kết luận điều tra với vấn đề an toàn thực phẩm của Công ty
08:48'
Công ty C.P. Việt Nam đã có thông cáo báo chí về kết luận điều tra của cơ quan Công an tỉnh Sóc Trăng (nay là thành phố Cần Thơ) khẳng định C.P. Việt Nam không vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
-
Doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp châu Âu phản đối nới lỏng các quy định môi trường
08:01'
Ngày 1/7, hơn 100 công ty và nhà đầu tư đã lên tiếng cảnh báo về việc nới lỏng các quy định về bền vững của châu Âu, những quy định mà theo họ là đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
-
Doanh nghiệp
Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng Hà Nội – Milan
07:47'
Theo kế hoạch, đường bay Hà Nội – Milan sẽ sử dụng tàu bay thân rộng Boeing 787, tần suất 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào thứ Ba, thứ Sáu và thứ Bảy với tổng thời gian bay gần 12 giờ mỗi chặng.
-
Doanh nghiệp
Nâng cấp phần mềm đảm bảo dịch vụ điện trực tuyến liên tục sau ngày 1/7/2025
16:10' - 01/07/2025
Từ 1/7, Trung tâm Chăm sóc khách hàng - Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã chủ động hiệu chỉnh toàn diện các phần mềm, ứng dụng Chăm sóc khách hàng nhằm đáp ứng các dịch vụ điện trực tuyến ổn định.