Doanh nghiệp chuẩn bị kỹ cho các luồng chuyển dịch sau dịch COVID-19

18:30' - 08/05/2020
BNEWS Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ cho luồng chuyển dịch sau dịch COVID-19, nhất là về quy trình sản xuất, kinh doanh và nguồn nhân lực.

Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng” do Tạp chí điện tử Nhà quản trị (TheLEADER) phối hợp với Tập đoàn TTC và các đối tác John&Partners, Base.vn tổ chức chiều 8/5.

Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn chưa từng có do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 kéo dài nhiều tháng nay. Chuỗi sản xuất kinh doanh và tiếp vận toàn cầu bị gián đoạn, sản xuất ngưng trệ, dòng tiền trong kinh doanh cạn kiệt, thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc...

Tuy nhiên, theo ông Ngô Công Trường - Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners, dịch COVID-19 là thời cơ tốt cho Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc tận dụng cơ hội giãn cách xã hội để thiết lập mô hình kinh doanh, tối ưu hóa cấu trúc doanh nghiệp. Đặc biệt, khi Việt Nam đang trở thành mục tiêu của các nước lớn vào chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ông Ngô Công Trường cho biết thêm, theo khảo sát đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup, doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại trong 3 tháng nếu doanh thu bằng 0 liên tục. Nếu tiếp tục 3 tháng nữa thì tất cả sẽ rơi vào khó khăn, khủng hoảng.

Thực tế, dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm trên phạm vi toàn cầu nhưng chưa biết điểm dừng, Chính phủ đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, tái khởi động lại sản xuất kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt cũng hơn lúc nào hết cần sớm có những chiến lược và quyết sách phù hợp để nhập cuộc.

Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners Ngô Công Trường đề xuất, bản thân doanh nghiệp cần nhận định rõ tình hình và đưa các chiến lược sản xuất, kinh doanh về giai đoạn ngắn hạn hơn như 3 - 5 năm. Từ đó, tổ chức sản xuất, mạng lưới phân phối cũng như đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với từng giai đoạn. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên chia nhỏ thành các đơn vị kinh doanh, xác định ngành hàng nguồn để tạo sức cạnh tranh, phát huy lợi thế của từng đơn vị.

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch CLB Thương hiệu Việt cho hay, hiện Tập đoàn TTC đã rút ngắn từ 5 xuống 4 ngành sản xuất kinh doanh, tập trung vào 2 ngành mía đường và năng lượng để bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trong tháng 3, lượng đường xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa lên tới 200.000 tấn và đơn vị cũng đưa ra thị trường những sản phẩm mới và nhận được sự phản hồi tích cực.

Ông Đặng Văn Thành mong muốn, cùng với sự chủ động thích ứng của các doanh nghiệp, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang tính chất liên ngành như: giãn lãi và nợ, không chuyển nợ quá hạn.

Đồng thời, các ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ vốn, thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Thậm chí, Chính phủ có thể thành lâp Ủy ban ứng phó với hậu quả của dịch COVID-19 để xem xét, đánh giá chi tiết diễn biến của thế giới cũng như trong nước. Từ đó, đưa ra dự báo, đối sách phù hợp cho doanh nghiệp trong thời kỳ mới.

Còn ông Lâm Minh Chánh - Nhà sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni, Đồng sáng lập Group Quản trị và Khởi nghiệp cho rằng, bên cạnh quy trình sản xuất, kinh doanh và nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi phù hợp với quá trình thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ thời gian qua.

Từ đó, cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hướng tới hình thành mô hình kinh doanh mới với các sản phẩm thích ứng với Cuộc cách mạng công lần thứ tư 4.0 tại Việt Nam.

Dịch COVID-19 là cơ hội mới cho doanh nghiệp trong nước và cũng là nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi. Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ để đáp ứng cho các luồng chuyển dịch mới, từ đó tận dụng được cơ hội này để vượt qua thách thức hiện nay và vươn lên nắm bắt thành công trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục