Doanh nghiệp chung sức vượt khó trước tác động của dịch COVID-19

08:02' - 17/03/2020
BNEWS Thiếu nguyên liệu, gặp khó trong xuất khẩu đang là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN

Để giải quyết những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều doanh nghiệp đã tự tìm hướng đi cho mình, ngoài sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dịch COVID-19 đã tác động khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 7,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,4% của cùng kỳ năm 2019.

Bộ Công Thương nhận định, dự kiến trong cuối quý I/2020, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn thì mức độ ảnh hưởng sẽ trở nên rõ rệt với ngành sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty Sản xuất Thép Úc, các hoạt động bán hàng bị chậm lại do nhiều dự án, công trình đã tạm dừng hoặc giãn thi công, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm thép. Ngoài ra, mặc dù nguyên liệu chính của công ty là từ trong nước, nhưng một số nhà máy sản xuất phôi thép có nhiều lao động Trung Quốc (Formosa, Shengli...) đã phải dừng/giãn tiến độ sản xuất do lao động chưa ổn định ảnh hưởng đến sản xuất của các công ty thép nói chung.

Đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam cũng cho hay, thị trường diễn biến bất lợi và dịch COVID-19 tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống Tổng công ty.

Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, tiêu thụ đến hết ngày 26/2 mới đạt gần 14.000 tấn, chỉ đạt 23% kế hoạch tháng.

Với Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), đại diện VNSteel cho hay, đây là đơn vị chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong các đơn vị thuộc hệ thống Tổng công ty bởi dịch bệnh do đặt gần biên giới Việt - Trung và phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại giữa 2 bên. Các mặt hàng nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị của công ty chủ yếu nhập từ Trung Quốc bị ngừng trệ, đặc biệt tồn kho than cốc hiện rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu thụ quặng sắt trong nước. Xuất khẩu phôi thép của công ty cũng bị ngưng trệ. Dự kiến quý II đơn vị vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Để gỡ khó cho tình trạng này, Tổng công ty Thép Việt Nam đã yêu cầu VTM gấp rút làm việc với các cơ quan hữu quan của Lào Cai để nối lại hoạt động xuất nhập bình thường đối với mặt hàng than cốc và phôi thép nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, VTM tìm kiếm các nguồn than cốc đường biển để thay thế từ Nga, Indonesia… Tổng công ty cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ từ UBND tỉnh Lào Cai về các vấn đề giãn, gia hạn thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp…

Đối với Tisco, doanh nghiệp rà soát lại các hợp đồng về than điện cực, vật liệu chịu lửa và có kế hoạch mua bổ sung đảm bảo duy trì đủ vật tư cho sản xuất; kiểm soát tồn kho nguyên vật liệu theo kế hoạch thận trọng và an toàn; làm việc với các nhà phân phối thép để điều chỉnh các chính sách tiêu thụ thành phẩm trong điều kiện hiện nay.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chỉ tiêu tăng trưởng của công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình khống chế dịch bệnh.

Cụ thể, trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I/2020, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I/2020 chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ  năm 2019; trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành công nghiệp chỉ tăng 6,28%.

Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý II/2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý II/2020 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 6,23% trong quý II.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, xác định “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Các giải pháp này đang được xem là chìa khóa để giúp doanh nghiệp vượt khó.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Gói hỗ trợ tín dụng này khoảng 250 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam, trong lúc chờ đợi nhận được các nguồn hỗ trợ vốn vay, lãi suất, giãn nợ thì việc nối lại nguồn hàng, áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào là quan trọng hơn cả.

"Hiện tại, công ty cũng đang phối hợp với đối tác Đài Loan (Trung Quốc) để đàm phán về nguồn hàng cung ứng. Ngoài ra, gấp rút tìm kiếm nguồn hàng cung ứng nguyên liệu từ các thị trường lân cận như Thái Lan... để phục vụ sản xuất. Tất nhiên, đây không phải việc có thể làm ngay trong một sớm một chiều, chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ về xúc tiến thương mại từ phía các cơ quan chức năng", ông Kết nói.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH vật liệu Tầm Nhìn Việt, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc tìm kiếm thị trường mới là rất quan trọng bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và tình trạng khó khăn trong nhập khẩu nguyên phụ liệu sẽ tiếp tục diễn ra. Công ty cũng đang chủ động tìm kiếm nguồn hàng thay thế cho phía Trung Quốc.

"Mong rằng các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa việc xúc tiến thương mại, hội thảo giới thiệu sản phẩm để cộng đồng doanh nghiệp nói chung và Tầm Nhìn Việt nói riêng có cơ hội tiếp cận với các nguồn cung ứng khác", ông Vinh nói.

Để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo sát sao các Cục, Vụ thuộc Bộ làm việc trực tiếp với các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương để từ đó tìm hướng giải quyết đúng và trúng “giải cứu” cho các doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ phối hợp với các ngành, địa phương xử lý các vấn đề ở cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông xuất nhập khẩu với Trung Quốc, tìm thị trường thay thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, chỉ đạo các Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại các thị trường châu Á - châu Phi; châu Âu - châu Mỹ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, thị hiếu, tỷ trọng, đánh giá khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt lưu ý tận dụng hiệu quả ưu đãi mang lại của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)./.

Xem thêm:

>>Cập nhật tin tức mới nhất về dịch do virus Corona tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục