Doanh nghiệp dầu khí tập trung tối đa phân bón cho thị trường nội địa

06:00' - 04/07/2021
BNEWS Trong bối cảnh giá phân bón tăng mạnh, các doanh nghiệp phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục dừng, giảm xuất khẩu để tập trung tối đa nguồn hàng phục vụ thị trường trong nước.

Thực tế là, không chỉ phân bón mà rất nhiều loại hàng hóa cơ bản, nguyên vật liệu trên thế giới đều tăng giá. 

Nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều công xưởng, nhà máy trên thế giới hoặc phải đóng cửa hoặc vận hành với công suất nhỏ. 

Cùng đó, dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng vận chuyển logistics đứt gãy, cước phí vận chuyển tăng đột biến; trong đó, cước phí vận chuyển phân bón bằng container đã tăng 5 lần so với trước đây.

Đặc biệt, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón tăng phi mã, vượt mọi dự báo. Theo đó, so với cuối năm 2020, giá lưu huỳnh tăng 133%, amoniac (NH3) tăng 130%, Acid Sulphuric (H2SO4) có khu vực tăng đến 500%.

Ngoài ra, với việc Trung Quốc và các nước ở Trung Mỹ tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhu cầu phân bón cao đã khiến giá phân bón trên thế giới tăng mạnh.

Tại Việt Nam, giá phân bón trong nước sản xuất cũng đã tăng đáng kể. Điều này đã dấy lên nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước đang “tát nước theo mưa” trong khi nông dân lao đao vì giá nông sản xuống thấp, thậm chí nhiều nơi phải giải cứu.

Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí đầu vào và thu nhập đầu ra đều do thị trường quyết định. 

Theo đại diện của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí (PVCFC-Phân bón Cà Mau), vụ đông xuân hay hè thu năm 2020, giá phân bón rớt thê thảm, doanh nghiệp sản xuất phân bón tồn kho cực lớn, phải tìm đường xuất khẩu ở các thị trường ngách để có vốn quay vòng sản xuất. Trong khi đó, giá lúa tăng cao, giá gạo xuất khẩu tăng mạnh giúp nông dân thắng lớn trong vụ mùa 2020.

Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giao thương bị đứt gãy ở một vài địa phương khiến một vài loại nông sản khó tiêu thụ. Nhưng nhìn tổng thể, các nông sản chủ lực xuất khẩu đều trong xu hướng “được mùa, được giá”.

Thứ hai, phần lớn nguyên liệu để sản xuất phân bón mua theo giá thế giới nên khi giá nguyên liệu thế giới tăng, giá thành sản xuất trong nước cũng tăng theo.

Đặc biệt, với thực tế nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên mọi biến động trên thị trường thế giới đều tác động ngay tới thị trường trong nước theo nguyên tắc bình thông nhau. Đây cũng là cơ chế điều chỉnh của thị trường để tạo ra mặt bằng giá chung trên toàn thế giới.

Theo dự báo, trong thời gian tới giá phân bón trong nước sẽ tiếp tục tăng theo biến động tăng giá của thế giới. Vì vậy dù nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung phân bón ra thị trường để hạn chế tình trạng khan hàng sốt giá ảo thì giá phân bón trong nước cũng sẽ vẫn phải điều chỉnh tăng nhưng với bước điều chỉnh chậm hơn. 

Thực tế là, tại thị trường nội địa, các loại phân bón trong nước đang có giá thấp hơn giá phân bón nhập khẩu khoảng 1-2 triệu đồng/tấn tuỳ loại.

Nhiều doanh nghiệp phân bón lớn trong nước như Tổng Công ty Cổ phần Phân bón và hoá chất Dầu khí (PVFCCo- Phân bón Phú Mỹ), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí (PVCFC-Phân bón Cà Mau) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chủ động dừng, giảm xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường quốc tế để tập trung tối đa nguồn hàng phục vụ thị trường trong nước. 

Với việc thực chia sẻ trách nhiệm xã hội như vậy, các doanh nghiệp trong nước đã chấp nhận giảm đi một phần lợi nhuận từ việc xuất khẩu với giá cao hơn để chung tay hỗ trợ nông dân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực gia tăng tối đa sản lượng, điều độ hàng tới các vùng miền, kịp thời phục vụ cho bà con nông dân, đặc biệt là vào vụ cao điểm, nhờ đó đã ngăn chặn được tình trạng khan hàng, sốt giá.

Hiện tại, cả hai doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều đang thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. 

Tại các nhà máy sản xuất phân bón của hai đơn vị này, đội ngũ vận hành sản xuất phải "đóng quân" tại chỗ, từ lãnh đạo nhà máy, cán bộ, kỹ sư, công nhân viên đều "tự" cách ly tập trung cả tháng không về nhà, đảm bảo nhà máy được vận hành liên tục, an toàn, đảm bảo chất lượng và đủ sản lượng phục vụ mùa màng.  

Đây là minh chứng cho nỗ lực đồng hành của doanh nghiệp phân bón Việt Nam với nông nghiệp, với bà con nông dân./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục