Doanh nghiệp đề nghị lùi thời gian lắp camera trên xe ô tô kinh doanh trước ngày 1/7

12:26' - 26/02/2021
BNEWS Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế rất khó khăn. Các kiến nghị đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động...

*Bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm gỗ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp trong tháng 1 - 2/2021 vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) gửi Thủ tướng cho thấy, hiện phần lớn các doanh nghiệp trong nước đang cạn kiệt nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn 1 năm chống chọi kể từ khi đại dịch bùng phát. Hầu hết doanh nghiệp đều trông mong các chính sách hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ, đặc biệt là các hỗ trợ liên quan đến giãn, hoãn thuế, phí và lệ phí để có thể hạn chế dòng tiền chi ra nhằm duy trì nguồn lực mỏng còn lại vào việc vực dậy sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều bất cập ở cả khâu quy định cơ chế, chính sách và khung pháp luật lẫn thực thi trên nhiều lĩnh vực đã phản ánh trong các báo cáo tổng hợp trước đây vẫn còn tồn tại, đang gây nhiều cản trở cho cộng đồng doanh nghiệp trong tình cảnh vốn đã rất khó khăn vì dịch bệnh. Đây là các nội dung rất cần sự chỉ đạo liên tục và mạnh mẽ từ Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ, mức thuế xuất khẩu 2% đang áp dụng với mặt hàng này được đặt ra với mục đích khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng rừng cây gỗ lớn, khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai áp dụng, quy định về mức thuế này phát sinh một số điểm chưa phù hợp thực tế.

Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc đang là hai thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn của Việt Nam. Đối với thị trường Nhật Bản, mặt hàng dăm gỗ đang được hưởng thuế xuất khẩu 0% theo cam kết của Việt Nam tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng cam kết năm 2021 sẽ bỏ thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này khi Hiệp định RCEP có hiệu lực.

Dựa vào nguồn số liệu của Tổng cục Hải quan và cập nhật thông tin từ doanh nghiệp, với mức thuế xuất khẩu dăm gỗ (2%) đang áp với các thị trường ngoài khối CPTPP, tiền thuế thu được là không đáng kể (chỉ hơn 15 triệu USD đối với 1,03 tỷ USD giá trị xuất khẩu dăm gỗ trong 8 tháng năm 2020).

Tuy nhiên, với mức thuế này, doanh nghiệp sản xuất dăm phải giảm giá mua gỗ nguyên liệu đầu vào từ người dân trồng rừng. Thất thoát do giảm giá nguyên liệu mà người dân chịu thiệt hại rất lớn (hơn 50 triệu USD/8 tháng năm 2020) (1 tấn dăm xuất khẩu tương đương 1,95 tấn dăm tươi).

Do vậy, thực trạng này sẽ không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp trồng rừng tạo vùng nguyên liệu. Trong khi đó, nguồn cung ứng nguyên liệu nói chung còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu ra của dòng sản phẩm dăm gỗ và viên nén cũng gặp khó khăn, giá xuất khẩu giảm xuống thấp khiến giá mua nguyên liệu đầu vào phải giảm theo.

Người dân không còn thiết tha khai thác rừng trồng do thu không đủ bù chi phí khai thác, trong khi 51% diện tích rừng trồng do người dân, hộ gia đình quản lý.

Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, cân nhắc phương án bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm gỗ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, bình ổn giá thu mua nguyên liệu, khuyến khích người dân duy trì trồng rừng.

Từ đó, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển ngành gỗ, ít nhất cho đến hết năm 2021, trong trường hợp tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chuỗi sản xuất trở lại bình thường.

*Đề nghị lùi thời gian lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải trước ngày 1/7/2021

Theo báo cáo, hiện nay, trên thị trường, một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá vào khoảng 4,5-5,5 triệu đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng.

Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị cho trên 340.000 phương tiện (dự kiến phải lắp đặt) sẽ vào khoảng 1.500-1.900 tỉ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỉ đồng/năm. Đây là những khoản chi phí lớn đối với doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh thiệt hại, khó khăn kéo dài do dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số quy định chưa được thống nhất giữa Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ), chẳng hạn như quy định số lượng, vị trí lắp đặt camera, khiến doanh nghiệp vận tải lúng túng khi chấp hành.

Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra các yêu cầu kỹ thuật đối với camera lắp đặt trên xe ô tô và việc cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera. Hiện trên thị trường đang lưu hành rất nhiều sản phẩm camera với những tính năng, đặc tính khác nhau.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải phần lớn không có kinh nghiệm trong vấn đề lắp đặt, kết nối, truyền tải dữ liệu này nên rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo lắp đặt thiết bị tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, vận hành hệ thống thiết bị sao cho đồng bộ và hiệu quả.

Các doanh nghiệp vận tải cho rằng, quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải là một quy định hợp lý. Tuy nhiên, cần có thí điểm, tổng kết thí điểm trước khi triển khai lắp đồng loạt, để tránh sửa đổi, bổ sung quy định (nhất là các quy định về phương tiện kỹ thuật) làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo quy định, trước ngày 01/7/2021, các doanh nghiệp phải lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Về việc này, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án lùi thời hạn bắt buộc triển khai lắp đặt trên toàn bộ các xe sao cho hợp lý, qua đó giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Bộ Giao thông Vận tải rà soát, thống nhất quy định về vị trí, số lượng camera cần lắp đặt, sau đó hướng dẫn doanh nghiệp vận tải thực hiện cho đồng nhất.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách chọn camera và các thiết bị đầu cuối đi kèm để đáp ứng tiêu chuẩn và đồng bộ toàn hệ thống, sau đó gửi đến các doanh nghiệp qua các kênh khác nhau. Nếu cần, có thể tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn kỹ năng cho nhân viên vận hành của doanh nghiệp.

Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát các tiêu chuẩn an toàn, chú ý đối với tiêu chuẩn an toàn về hệ thống điện của phương tiện khi lắp camera (đặc biệt đối với xe khách trên 30 chỗ). Đối với xe khách đóng mới cũng cần rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo đủ điều kiện lắp thêm camera theo quy định.

*Xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh sân golf

Tại báo cáo này, Ban IV cũng nêu kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh golf. Đối với hoạt động kinh doanh sân golf, thời gian gần đây, lượng người chơi sụt giảm, chi phí duy trì hoạt động tăng, khiến nguồn tiền của doanh bị cạn kiệt.

Trong bối cảnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với nguồn thu sụt giảm sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp kinh doanh sân golf.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, mặc dù golf được coi là môn thể thao, nhưng lại không được hưởng các ưu đãi theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh sân golf trong thời hạn nhất định (ví dụ: giảm từ 20% xuống còn 10% trong 3 năm 2021-2023) để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời kỳ COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục