Doanh nghiệp đón đầu cơ hội bán hàng trực tuyến đa kênh

09:34' - 16/06/2017
BNEWS Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, khoảng 35% hàng năm.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được nhìn nhận là đang mở ra khá nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là mua bán trực tuyến đa kênh.

Gia tăng mua bán trực tuyến đa kênh

Theo Bộ Công thương, kết thúc năm 2016, doanh số của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt mốc 4 tỷ USD. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như hiện nay, dự kiến đến năm 2020 thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước.

Ngày càng nhiều người mua bán hàng hóa qua mạng. Ảnh: ReadyTechGo

Thống kê của Global Survery Commerce trong quý 1/2017 cho thấy, sản phẩm mà người tiêu dùng Việt mua bán trực tuyến chủ yếu là quần áo, giày dép chiếm tỷ lệ 64%; sách, âm nhạc, văn phòng phẩm chiếm 51%; mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân 40%; các sản phẩm công nghệ thông tin, gia dụng chiếm 40%; đồ nội thất 29%; sản phẩm ăn uống 20%...

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động bán lẻ đa kênh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đều hướng đến mô hình bán lẻ đa kênh với khoản đầu tư không nhỏ.

Theo nghiên cứu của Neilsen (công ty nghiên cứu thị trường và truyền thông toàn cầu), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong ứng dụng và sử dụng các hoạt động công nghệ cao; trong đó có mua sắm trên internet.

Sự khác biệt giữa người mua hàng truyền thống và người mua hàng đa kênh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ.

Theo đó, có 82% người mua hàng truyền thống thường xuyên mua hàng theo kế hoạch. Điều này khiến các thương hiệu khó lòng lôi kéo được người tiêu dùng mới.

Tuy nhiên, có đến 52% người mua đa kênh sẽ so sánh các thương hiệu khác nhau trước khi quyết định. Ngoài ra, có thể do đặc thù di chuyển bằng xe máy, người Việt thường ít khi mua hàng trữ lượng lớn (19%). Trong khi con số này ở người mua đa kênh là 44%.

Việc bán hàng trực tuyến đang phát triển mạnh và đem lại nhiều thành công cho các doanh nghiệp trong nước như Công ty Cổ phần Thế giới di động, hay Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk)…

Ngoài lợi thế về môi trường thương mại điện tử phát triển, chính mạng lưới phát triển rộng khắp cả nước của các doanh nghiệp này đã tạo lợi thế về bảo hàng, giao hàng cũng như chăm sóc khách hàng.

Đó là lý do Công ty cổ phần Thế giới di động đầu tư mạnh vào online khi đang sở hữu mạng lưới phân phối hơn 1.390 hệ thống chuỗi cửa hàng Thegioididong.com, Điện máy xanh và Bách hóa xanh.

Năm 2016, doanh thu bán hàng online của đơn vị này đạt trên 3.370 tỷ đồng, tăng 104% so với năm trước. Đầu năm 2017, Thế giới di động ra mắt sàn thương mại điện tử vuivui.com, hoạt động theo mô hình kết nối các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm tới người tiêu dùng.

Đây là một đại siêu thị online với rất nhiều ngành hàng, trong đó 80% hàng hóa do Thế giới di động cung cấp.

Hay như Vinamilk dù đã rất thành công với chuỗi cửa hàng offline nhưng đơn vị này đã nhanh chóng tham gia kênh bán hàng online Vinamilk eShop vào cuối năm 2016 để cung cấp các sản phẩm về sữa của doanh nghiệp này, tiếp cận thêm nhiều khách hàng không có nhiều thời gian mua sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến không chỉ được nhìn thấy ở các doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài như Aeon, Lotte… khá thành công ở phân khúc bán lẻ truyền thống mới đây cũng tập trung vào kênh bán hàng online để gia tăng tiện ích và sự thuận tiện phục vụ người tiêu dùng.

Gắn kết thị trường thực và ảo

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, dù còn nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển công nghệ cho phép doanh nghiệp nước này dễ dàng bán hàng trực tuyến ở nước khác nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các doanh nghiệp cần tận dụng các giải pháp giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trên internet như công nghệ điện toán đám mây ứng dụng ở các lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, xây dựng website phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình…

Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, ở Việt Nam mới chỉ có 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa có website hỗ trợ mua bán trực tuyến và có tới 70% người được hỏi cho biết gặp trục trặc khi truy cập các trang web trên điện thoại di động.

Đánh giá về những hạn chế hiện nay của doanh nghiệp, ông Phạm Đình Trí, giám đốc kinh doanh công ty TNHH P.A Việt Nam, một trong những điểm yếu lớn nhất là khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn hạn chế.

Các thông tin giao dịch trên website hay fanpage sơ sài, đơn điệu, thiếu thông tin đầy đủ và hấp dẫn về sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp xây dựng website xong rồi để đó cứ nghĩ mình có công cụ kinh doanh rồi và không quan tâm đến chăm sóc khách hàng qua website.

Mặt khác, có một số doanh nghiệp làm ăn không minh bạch, đăng tải hình ảnh sản phẩm kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” với chất lượng thấp, không đúng với chất lượng quảng cáo làm mất uy tín với khách hàng và ảnh hưởng đến việc mua bán qua kênh thương mại điện tử nói chung.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, hoạt động kinh doanh online gần đây không ảm đạm như thời gian trước kia. Các doanh nghiệp không chỉ kinh doanh trên internet mà còn kết nối giữa các hoạt động kinh doanh online và offline.

Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn minh bạch, đàng hoàng thì còn có những doanh nghiệp hiện nay chưa theo kịp hoặc có những hoạt động kinh doanh thực sự chưa minh bạch, cung cấp sản phẩm dịch vụ không đúng như quảng cáo.

Do đó, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần thống nhất thông tin giữa thị trường thực và ảo để xây dựng lòng tin với khách hàng. Khi kinh doanh không minh bạch trên internet thì chắc chắn thương hiệu của doanh nghiệp sẽ không phát triển.

Bởi trên hoạt động online, một khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc bán hàng không đàng hoàng thì việc lan tỏa, báo xấu những vi phạm của doanh nghiệp sẽ lan tỏa rất nhanh, dễ dàng bị loại trừ khỏi “cuộc chơi”.

Cũng theo ông Dũng, hiện có nhiều hệ thống những doanh nghiệp lớn, những thương hiệu hàng đầu thế giới đã tham gia vào thị trường Việt Nam, xem thị trường Việt Nam là một trong những thị trường năng động.

Dù vậy, cơ hội vẫn còn nhiều cho doanh nghiệp trong nước vì kinh doanh online, các doanh nghiệp đều có cơ hội ngang nhau.

Các doanh nghiệp cần biết tận dụng những thế mạnh của mình, những ngành hàng, thế mạnh, đi vào thị trường ngách, thị trường có lợi thế… Như vậy, những doanh nghiệp khởi nghiệp hay sinh viên cũng có thể mở ra những hoạt động kinh doanh và thu hút nhà đầu tư…

Nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020; trong đó, chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử; nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chuyên trách tại địa phương.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho thương mại điện tử, như hạ tầng thanh toán, logistics, chứng thực và giao dịch bảo đảm; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục