Doanh nghiệp FDI vắng chủ - Bài 2: Nợ thuế, nợ bảo hiểm không có khả năng thu hồi

13:16' - 24/04/2018
BNEWS Việc chủ doanh nghiệp FDI “âm thầm” bỏ đi đã để lại nhiều hệ lụy. Nhà nước thất thu vì doanh nghiệp còn nợ thuế.
Hiện Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp FDI nợ bảo hiểm nhiều năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Quyền lợi, chế độ của người lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi doanh nghiệp vẫn nợ bảo hiểm, nợ lương.

Tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn khỏi Việt Nam khi chưa thực hiện hết các nghĩa vụ đã và sẽ diễn ra, song do pháp luật còn lỗ hổng, chế tài chưa đủ mạnh nên ngành chức năng không thể ngăn chặn kịp thời.

Theo Cục Thuế Đồng Nai, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn hiện còn nợ gần 238 tỷ đồng tiền thuế; trong đó hơn 140 tỷ đồng nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày.

Số nợ còn lại (93 tỷ đồng) là của doanh nghiệp vắng chủ, đã ngừng hoạt động; phần lớn nợ thuế thu nhập cá nhân. Tiền nợ của doanh nghiệp vắng chủ, ngành thuế Đồng Nai xếp vào diện “nợ thuế khó thu”.

Ông Nguyễn Tấn Lợi - Phó Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai khẳng định, so với doanh nghiệp trong nước, nợ thuế của doanh nghiệp FDI thấp hơn, kể cả nợ khó thu. Tuy nhiên, khả năng thu hồi nợ từ doanh nghiệp vắng chủ là rất thấp, do chủ doanh nghiệp đã bỏ đi, khó xử lý tài sản.

Để chống thất thoát ngân sách Nhà nước, ngăn chặn nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Việt Nam khi còn nợ thuế, Cục Thuế Đồng Nai đã cử cán bộ, nhân viên trực tiếp nhắc nhở những doanh nghiệp chậm nộp thuế trên trong 30 ngày.

Doanh nghiệp nợ thuế trong 90 ngày sẽ phải nhận thông báo tiền nợ và bị cơ quan thuế đốc thúc. Với doanh nghiệp FDI nợ thuế trên 90 ngày, Cục Thuế Đồng Nai thực hiện cưỡng chế nhưng thủ tục lại rườm rà và không mấy hiệu quả.

Cưỡng chế trên tài khoản thì tài khoản của họ không có tiền, bằng hóa đơn thì doanh nghiệp FDI chủ yếu xuất – nhập hàng hóa chứ không sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng.

Do thiếu thông tin toàn diện về hoạt động của doanh nghiệp FDI nên ngành thuế không thể đoán định được bao giờ chủ đầu tư (đang nợ thuế) bỏ trốn khỏi Việt Nam. Từ đó, không đưa ra được giải pháp phù hợp để thu hồi nợ.

Có trường hợp doanh nghiệp nợ thuế dưới 90 ngày, sau khi đốc thúc, họ thanh toán rồi tiếp tục nợ. Lần nợ sau chưa đến 90 ngày thì chủ người nước ngoài bỏ trốn, ngành chức năng không liên lạc được với họ - ông Lợi dẫn chứng.

Tình trạng chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn để lại nợ bảo hiểm đã xảy ra nhiều năm, đến nay, ở Đồng Nai với hơn 30 doanh nghiệp vắng chủ cũng số tiền nợ bảo hiểm xã hội rất lớn.

Công ty KL Texwell Vina nhiều năm qua được ngành bảo hiểm Đồng Nai xếp vào dạng doanh nghiệp chây ì, chậm nộp bảo hiểm.

Năm 2017, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã thanh kiểm tra và xử phạt hành chính đối với công ty này, đồng thời thu hồi được 10 tỷ đồng tiền nợ.

Từ tháng 7/2017 đến cuối tháng 1/2018, công ty này ngừng đóng (nhưng vẫn trích tiền bảo hiểm của người lao động) với số nợ hơn 19 tỷ đồng và ngay sau đó lãnh đạo doanh nghiệp rời khỏi Việt Nam.

Theo luật, lao động được chốt sổ bảo hiểm căn cứ vào thời gian doanh nghiệp nộp tiền cho ngành bảo hiểm. Tại Công ty KL Texwell Vina, công nhân chỉ được chốt sổ bảo hiểm xã hội đến 30/6/2017. Thời gian còn lại, dù công nhân có đóng tiền song không được tính (do doanh nghiệp đã chiếm đoạt).

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai Phạm Minh Thành nhận xét, đa phần các tổng giám đốc, giám đốc trong doanh nghiệp vắng chủ là người làm thuê. Việc thu hồi nợ gần như không có khả năng thực hiện.

Thời gian qua, ngành bảo hiểm Đồng Nai đã phối hợp với các ngành chức năng để tìm biện pháp khắc phục nợ mà doanh nghiệp bỏ trốn để lại nhưng đến nay vẫn bế tắc do đất, nhà xưởng, máy móc doanh nghiệp đều đi thuê.

Bảo hiểm xã hội Đồng Nai vẫn đang khoanh nợ của doanh nghiệp vắng chủ vào diện chờ xử lý. Khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp vắng chủ, số tiền thu được thường ít hơn các khoản nợ mà doanh nghiệp để lại, cơ quan chức năng lại ưu tiên trả nợ cho ngân hàng trước nên việc thu hồi nợ bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn - ông Thành cho hay.

Hiện Đồng Nai có rất nhiều doanh nghiệp FDI nợ bảo hiểm nhiều năm với số tiền lớn như: Công ty Vietbo (Khu công nghiệp Sông Mây) nợ hơn 22 tỷ đồng, Công ty Kumsung Vina (Khu công nghiệp Tam Phước) nợ trên 11 tỷ đồng; Công ty Jooco Dona (Khu công nghiệp Bàu Xéo) nợ gần 10 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã dùng nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ. Ngành bảo hiểm đang rất lo lắng, bức xúc, trường hợp chủ các doanh nghiệp này âm thầm rời đi thì hàng chục tỷ đồng tiền nợ sẽ không thu hồi được, quyền lợi của hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng.

Luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn Đồng Nai khẳng định, doanh nghiệp vắng chủ còn nợ bảo hiểm là do pháp luật chưa đồng bộ, chặt chẽ; thiếu chế tài giúp cơ quan chức năng thu hồi triệt để tiền nợ. Hiện việc khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm được giao cho công đoàn.

Năm 2017, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Đồng Nai khởi kiện 6 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, song toàn bộ hồ sơ đều bị tòa trả lại. Nguyên nhân theo Bộ luật Tố tụng Dân sự thì thẩm quyền khởi kiện thuộc về công đoàn cơ sở.

Điều này là bất khả thi, bởi công đoàn cơ sở thiếu kinh nghiệm, trình độ và kỹ năng tham gia tố tụng; cán bộ công đoàn cơ sở đang được chủ doanh nghiệp trả lương, họ không thể kiện ông chủ của mình./.

Bài cuối: Bổ sung, hoàn thiện luật pháp

Xem thêm:

>>>Doanh nghiệp FDI vắng chủ - Bài 1: Hàng loạt doanh nghiệp biến mất

>>>Sẽ công khai các cơ sở không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục