Doanh nghiệp Hà Giang và khu vực Đông Bắc kết nối giao thương, mở rộng thị trường

21:58' - 27/10/2023
BNEWS Đây cũng là cơ hội giúp người trồng chè gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang…

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Hà Giang và khu vực Đông Bắc kết nối giao thương, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hàng hóa là một trong những nội dung được ghi nhận tại hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Đông Bắc gắn với hội thảo chè Shan tuyết Hà Giang.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long nhấn mạnh, 9 tỉnh vùng Đông Bắc bao gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang và Quảng Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN. Việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước là việc làm hết sức quan trọng.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp, tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa và tổ chức triển khai đa dạng hoạt động xúc tiến kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, mở rộng kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và phát triển thị trường trong nước, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, thời gian qua, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa các tỉnh vùng Đông Bắc có những tín hiệu tích cực. Các tỉnh đã tổ chức công nhận nhiều sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao và có định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu, gia tăng chất lượng, sử dụng mẫu mã, bao bì thân thiện môi trường, truy xuất nguồn gốc rõ ràng để có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Các đại biểu dự Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Đông Bắc. Ảnh: Quốc Huy/TTXVN

Đây chính cơ hội tốt để doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh trong khu vực Đông Bắc giới thiệu, quảng bá sản phẩm thế mạnh, tiềm năng xuất khẩu đến đối tác. Đồng thời cũng là dịp để các bộ, ngành Trung ương quan tâm, ủng hộ Hà Giang và các tỉnh khu vực Đông Bắc trong kết nối, đưa sản phẩm chủ lực ra chiếm lĩnh thị trường.

Tại hội nghị này, tỉnh giới thiệu tiềm năng, giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang; các lợi thế để phát triển thương mại, xuất khẩu sản phẩm chè của Hà Giang. Qua đó, nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu cho sản phẩm chè của địa phương.

Ông Hoàng Hải Lý - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang cho biết, tỉnh được biết đến là vùng sản xuất chè trọng điểm của cả nước với tổng diện tích lên đến hơn 20.300 ha, đứng thứ 3 sau Lâm Đồng và Thái Nguyên; trong đó, diện tích chè Shan tuyết lên đến hơn 18.600 ha, chiếm 90,28% diện tích chè toàn tỉnh; diện tích chè Shan tuyết cho thu hoạch đạt gần 14.000 ha, sản lượng đạt trên 55.000 tấn.

Chè Shan tuyết là 1 trong 5 loại cây trồng chủ lực của Hà Giang để tập trung nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ nhằm khai thác hiệu quả lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Hà Giang hiện có 1.629 cây chè Shan tuyết cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây Di sản Việt Nam, đưa Hà Giang trở thành địa phương có số lượng cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước.

Hàng năm, giá trị sản xuất ngành chè đem lại gần 690 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% giá trị ngành trồng trọt. Chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, được xem là "báu vật" của núi rừng cực Bắc. Đặc biệt, Hà Giang hiện có gần 40 sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được phát triển thành sản phẩm OCOP địa phương; trong đó, 2 sản phẩm chè xanh và hồng trà nhãn hiệu bà cụ của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học, quản lý, chính quyền địa phương 9 tỉnh trong khu vực Đông Bắc đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm chè Shan tuyết. Trong đó, đẩy mạnh chế biến sâu gắn với tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… là những yếu tố then chốt nhất để các địa phương phát triển.

Nhân dịp này, 3 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chè của các tỉnh khu vực Đông Bắc đã ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu chè với doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Sự kiện này do UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 27/10 tại thành phố Hà Giang.

Đây cũng là cơ hội giúp người trồng chè gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang…

Đông Bắc là 1 trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của miền Bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Là "phên giậu" nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Hà Giang có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục