Doanh nghiệp Hà Nội với trách nhiệm xã hội

15:22' - 09/10/2022
BNEWS Trong giai đoạn 2 năm dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp Hà Nội đã không chỉ thể hiện bản lĩnh vượt khó mà còn chung tay thực hiện trách nhiệm xã hội.

Hướng tới kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2022), nhiều địa phương tại Hà Nội tổ chức gặp gỡ, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2 năm dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp Hà Nội đã không chỉ thể hiện bản lĩnh vượt khó mà còn chung tay thực hiện trách nhiệm xã hội.

Với hơn 4.500 doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động - Đông Anh (Hà Nội) là địa phương dẫn đầu các huyện ngoại thành về doanh nghiệp. Đáng chú ý, địa phương này có nhiều thế mạnh về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các ngành nghề: chế biến gỗ, chăn nuôi, trồng rau, thương mại.

 

Chỉ riêng chế biến gỗ, Đông Anh có khoảng 500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký tham gia đã và đang tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng. Trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, với tinh thần tự cường nhiều doanh nghiệp tại Đông Anh đã linh hoạt thích ứng với tình hình mới, vượt khó vươn lên, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh sau một thời gian dài bị kìm nén bởi đại dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần quan trọng giúp huyện Đông Anh đạt được kết quả vượt trội về kinh tế - xã hội so với các năm trước.

Riêng trong 9 tháng qua, giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh ước đạt 127.168 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp - xây dựng ước đạt 114.188 tỷ đồng, tăng 10,5%; thương mại - dịch vụ ước đạt 11.177 tỷ đồng, tăng 16,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.426 tỷ đồng, bằng 57% dự toán thành phố giao.

Thực tế tại Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn không chỉ quan tâm đến phát triển sản xuất, kinh doanh mà luôn dành nguồn lực vật chất đáng kể để tham gia các phong trào vì cộng đồng.

Đơn cử như đợt dịch COVID -19 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn Thủ đô đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho quỹ phòng chống dịch tại các địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô còn tích cực tham gia ủng hộ về tài chính đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, thực hiện tốt an sinh xã hội… trên địa bàn.

Theo UBND thành phố Hà Nội, để tiếp tục tri ân, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn, thành phố tiếp tục quan tâm và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Trong 9 tháng, các cấp, ngành của thành phố đã thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với gần 42.000 doanh nghiệp; giảm 2% thuế VAT phân theo ngành kinh tế với số tiền 2.245 tỷ đồng; hỗ trợ giảm trên 1.700 tỉ đồng lệ phí trước bạ.

Liên quan đến việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin, những tháng cuối năm, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các doanh nghiệp bằng việc chủ động dự báo biến động của thị trường để có giải pháp thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thực hiện đầy đủ các chính sách mới ban hành của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí; hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Còn theo ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, để tháo gỡ khó khăn cũng như tạo đà cho doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay, Hà Nội cần đẩy nhanh hiệu quả các thủ tục hành chính và Nghị quyết mà Quốc hội cũng như Chính phủ đã ban hành trong thời gian vừa qua để giúp doanh nghiệp thụ hưởng chính sách.

Chia sẻ về việc chính quyền sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ông Lê Trung Kiên, Bí thư huyện Đông Anh cho biết, từ cuối tháng 8/2021, khi huyện có lệnh phong tỏa, đường phố vắng ngắt, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, công nhân nghỉ việc... Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng như vậy, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn cũng bày tỏ hoang mang nhưng chính quyền đã kịp thời động viên, khích lệ, hộ trợ sản xuất "3 tại chỗ"...

Với sự hỗ trợ kịp thời trên cùng những giải pháp linh hoạt tự thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh đã giúp các doanh nghiệp vượt "bão", tiếp tục khôi phục sản xuất cống hiến cho xã hội.

Bằng chứng trong đợt dịch vừa qua, huyện Đông Anh đã huy động từ nguồn xã hội hóa từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người dân... với số tiền lớn nhất thành phố, đóng góp lớn vào Quỹ vacinne phòng, chống COVID-19 cho các địa phương. Điều này, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của đội ngũ, doanh nghiệp, doanh nhân huyện đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.

Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh, với lợi thế của mình, thành phố đã định hướng quy hoạch huyện thành "trung tâm tài chính", "thành phố thông minh", "cửa ngõ của thế giới" nên trong thời gian tới huyện cũng sẽ có rất nhiều việc phải triển khai. Do đó, rất cần sự đóng góp, ủng hộ trí tuệ - nguồn lực của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Trước hết, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp huyện cần tiếp tục đề cao tính tự cường, đổi mới tư duy, thay đổi cách nhìn để quản trị doanh nghiệp tốt hơn, đưa năng suất lao động cao để đóng góp cho xã hội, vì mục tiêu chung xây dựng quê hương giầu đẹp, văn minh.

Ở góc độ địa phương, Bí thư Huyện ủy Đông Anh cam kết, huyện sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo thuận lợi nhất cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, kinh doanh cũng như khởi nghiệp trên địa bàn huyện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục